20 năm trước, bệnh nhân phẫu thuật đặt sóng nhân tạo để khắc phục dáng mũi thấp tẹt, bè ngang, tại một cơ sở làm đẹp ở Cà Mau. Sau đó, sóng mũi bị tụt, bà phải đi rút sóng rồi đến một bệnh viện tại TP HCM nâng mũi bằng sóng nhân tạo và bọc sụn tai. Vài tháng sau, thấy đầu mũi quá nhọn nên bà nhờ bác sĩ chỉnh bằng cách bọc thêm sụn tai.
Kể từ lần hai bọc sụn tai, mũi có dấu hiệu nhiễm trùng, sưng viêm, bà đến một thẩm mỹ viện tại TP HCM tháo sụn cũ, đặt sụn mới. 6 năm sau, mũi tiếp tục nhiễm trùng, chảy dịch, đau nhức kéo dài, bà lại đi rút sóng.
"Sau 6 lần phẫu thuật thất bại, tôi lo sợ đặt sóng nhân tạo, lần thứ 7 chỉ dám cấy mỡ tự thân vào sóng để cải thiện độ cao dáng mũi", bệnh nhân nói.
Tổng cộng 7 lần mổ, bà tốn khoảng 500 triệu đồng. Tuy nhiên, sau cấy mỡ một năm, mũi ngày càng co rút biến dạng, hai lỗ mũi khít lại khiến việc thở khó khăn.
Ngày 22/6, TS.BS Nguyễn Phan Tú Dung, Giám đốc Bệnh viện JW, cho biết đây là trường hợp mũi bị biến dạng phức tạp, mô sẹo hình thành co cứng do can thiệp phẫu thuật quá nhiều. Đầu mũi co rút, trụ mũi sụp hoàn toàn, sụn vách ngăn vẹo lệch.
Các bác sĩ phẫu thuật tái cấu trúc toàn bộ mũi. Cơ địa của bệnh nhân này không hợp với vật liệu sụn nhân tạo, kíp mổ phải thay thế bằng sụn sườn tự thân. Sau hơn 5 giờ mổ, người bệnh được tái tạo lỗ mũi thở mới thành công, dáng mũi cải thiện 50-60%.
"Sụn sườn xơ cứng, hóa đá nên việc lấy sụn và sử dụng để dựng thành trụ mũi rất khó", bác sĩ nói. Ê kíp phải tốn nhiều công sức, thời gian để cùng nhau giữ, kẹp và gọt vỏ sụn sườn, tránh cho sụn bị bung, gãy.
Bệnh nhân cho biết rất bất ngờ với kết quả sau thời gian dài "tưởng chừng không còn hy vọng", mũi cao vừa phải đúng với mong ước. Đặc biệt, vách ngăn mũi đã thẳng, hai lỗ mũi đã tròn giúp việc hô hấp dễ dàng hơn.
Bác sĩ khuyến cáo mọi người nên chọn lựa những cơ sở uy tín, được cấp phép, thuốc men trang thiết bị đầy đủ, người mổ có tay nghề chuyên môn, chọn lựa vật liệu phù hợp để tránh tai biến.
Lê Phương