Khi Muhammad Ali qua đời ở tuổi 74, kết thúc 32 năm trường kỳ kháng chiến với bệnh Parkinson, những động thái tôn vinh ông xuất hiện ở mọi nơi trên thế giới. Họ ca ngợi Ali không chỉ với tư cách là một võ sĩ quyền Anh xuất chúng, mà trên hết là chính con người ông. Một con người kiệt xuất, vượt tầm thời đại, có trái tim nhân đạo và luôn đấu tranh bền bỉ cho nhân quyền với cái miệng hết sức duyên dáng của ông.
Vâng. Ali vĩ đại nhất ở cái miệng, kế đến là đôi chân rồi mới đến đôi tay. Trên tư cách là một võ sĩ, Ali có HC vàng Olympic, ba lần vô địch thế giới. Trong 17 năm đầu của sự nghiệp, cũng là 17 năm đỉnh cao với thành tích toàn thắng, Ali tuyệt nhiên không có một vết rách nào trên mặt. Thậm chí không có cả vết bầm, chưa bao giờ chảy máu. Đấy là vì đôi chân tuyệt hảo của ông. Ali tự nhận mình là một Elvis Presley trên võ đài, chính là ở đôi chân ấy.
Thế mạnh trong cách đánh của Ali không phải là những cú đấm. Đấy là vũ khí tối thượng của Mike Tyson sau này. Nhưng Ali là người né đòn giỏi nhất. Ông nhún nhảy như Elvis đang thi triển điệu rock'n'roll vậy, vừa cười vừa buông ra những lời lẽ hài hước và sâu cay. Để rồi khi đối phương say mồi đấm một Ali đang né đông tránh tây thì ông bất thình lình tung ra đòn đáp trả. Không mạnh lắm, nhưng cũng đủ làm đối phương tê tái.
Đấy là chiến thuật đánh quyền của Ali: "Lơ lửng như bướm, đốt đau như ong. Tay người chẳng thể đánh những gì mắt không thể trông" (tạm dịch từ câu nói có vần bất hủ của Ali: Float like a butterfly, sting like a bee. His hands can’t hit what his eyes can’t see).
Vế đầu tiên chính là ở đôi chân ăn tiền của Ali. Ông nhún nhảy và gần như không bao giờ yên vị trên mặt đất. Khi Ali thượng đài, đấy không còn là đánh nhau nữa, mà là sân khấu trình diễn. Ông vờn đối thủ, khiến họ tức điên trước khi kết liễu họ. Nếu chẳng thể hạ được bằng knock-out thì những cú đánh nhanh gọn như "ong chích" cũng sẽ giúp ông dư sức thắng điểm.
Trước khi sự nghiệp đỉnh cao dừng lại vì ông từ chối nhập ngũ vào năm 1966, Ali là một võ sĩ bất khả chiến bại. Ông tự gọi mình là "người vĩ đại nhất". Ông coi việc đánh bại đối phương là hiển nhiên. "Đấy chỉ là một công việc. Cỏ sẽ phải mọc, chim phải bay, sóng phải vỗ bờ và tôi đánh cho đối phương đo ván".
Ali không coi võ đài là lẽ sống như Mike Tyson và những võ sĩ khác. Chỉ vài chục phút sau khi giành chiếc HC vàng Olympic ở Rome, ông đã ném nó xuống sông. Sau này Ali viết trong hồi ký: "Chỉ ít lâu trước đó có một gã liều chết đánh tôi để giành được nó. Vậy tôi sẽ ném đó đi, tôi thấy rất nhẹ nhõm vì chẳng phải nghĩ về nó nữa". Lập dị đấy, nhưng là cái lập dị của một vĩ nhân.
George Foreman, một trong những bại tướng của Ali thời đỉnh cao, kể lại câu chuyện như sau: "Hôm ấy tôi đi trên đường, nhiều năm sau trận đánh ồn ào với Ali. Tôi tăng cân và húi cua nên chẳng ai nhận ra. Tôi mới đành phải gào lên: 'Tôi là George Foreman, nhà vô địch quyền Anh hạng nặng đây'. Nhưng không một người nào chú ý. Đến khi tôi nói: 'Tôi từng đánh với Muhammad Ali đấy' thì tất cả đều xúm lại hỏi thăm tôi về... ông ấy".
Đấy chỉ là một câu chuyện cho thấy mức độ nổi tiếng của Ali. Bạn có thể không biết gì về quyền Anh, nhưng bạn không thể không biết ông. Bởi vì tầm vóc của ông đã vượt đi rất xa cái võ đài chật hẹp kia. Foreman nói: "Ông ấy là món quà của nhân loại".
Ali là biểu tượng của chống phân biệt chủng tộc. Sau khi chuyển sang đạo Hồi năm 1964, Ali từ bỏ cái tên khai sinh Cassius Clay để chuyển sang cái tên Muhammad Ali. Ông nói: "Cassius Clay là cái tên của một nô lệ. Tôi không thích cái tên đó. Tôi không được chọn cửa sinh ra, nhưng tôi được phép chọn cách mà tôi muốn sống. Từ nay, chớ gọi cái tên cũ trước mặt tôi và cả sau lưng tôi nữa".
Ba năm sau đó, Ali thượng đài với Ernie Terrell. Để khiêu khích Ali, Ernie Terrell kiên quyết gọi ông bằng cái tên cũ Clay. Ali đã đánh cho Terrell một trận bầm dập, vừa đánh vừa nói: "Tên tao là gì, thằng ngu kia?". Khi Ali từ chối nhập ngũ vào năm 1966, ông đã nói một câu bất hủ nhân danh những đồng loại da đen của mình: "Tôi chẳng có hiềm khích gì với Việt Cộng. Chẳng có ông Việt Cộng nào gọi tôi là mọi đen cả".
Khi nói câu đó, Ali đã mạo hiểm với tất cả những gì mình có: danh vọng, tiền bạc và một sự nghiệp đang ở đỉnh cao. Sự thật là suốt bốn năm sau đó, Ali liên tục phải hầu tòa, ông không có tiền từ đánh quyền và sau đó luôn gặp khó khăn về tài chính, ông cũng tạo ra một làn sóng phản đối khi thanh niên Mỹ đang hừng hực khí thế ra trận. Nhưng Ali chưa bao giờ hối hận vì đã mang tất cả những gì mình có ra cược.
"Tôi không trốn nghĩa vụ. Tôi không đốt quốc kỳ. Tôi chẳng đào tẩu sang Canada. Tôi ở ngay đây. Quý vị muốn nhốt tôi ư? Xin mời. Tôi đã bị bỏ tù suốt 400 năm. Tôi ở thêm bốn, năm năm nữa cũng chẳng sao. Nhưng không đời nào tôi vượt mười nghìn dặm để giúp những kẻ giết người hạ sát thêm những người nghèo".
Lời nói ấy đã đánh động lương tâm của nước Mỹ và toàn thế giới, góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy phong trào phản chiến ở Mỹ. "Có thể tôi không nói thứ tiếng Anh hoàn hảo của người da trắng, nhưng tôi cho quý vị sự thông thái," Ali nói.
Những phát ngôn bất hủ của Ali đều hướng đến hai mục tiêu, khiến cho tên tuổi của ông len lỏi vào trong hang cùng ngõ hẻm ở mọi nơi trên thế giới và truyền đi những thông điệp hòa bình, nhân đạo. Nghe những phát ngôn bất hủ của Ali thời đỉnh cao, có lẽ bạn phải thừa nhận là Zlatan Ibrahimovic hãy còn... rất khiêm tốn. Ví dụ như:
Trước khi đánh với Joe Frazier, ông nói: "Lẽ ra tao nên là con tem, vì đấy là cách duy nhất để mày liếm được vào người tao".
Khi được hỏi về khả năng đánh golf, Ali nói: "Tôi là số một, chẳng qua tôi... chưa đánh thôi. Tôi đã biết mình là võ sĩ vĩ đại nhất từ trước khi đánh chuyên nghiệp kìa".
Trước khi đánh với George Foreman, ông nói: "Tôi nhanh lắm. Tối qua tôi tắt đèn, leo lên giường rồi cái phòng mới tối".
Về sự khiêm tốn: "Khó mà khiêm tốn khi vĩ đại như tôi lắm. Bạn cứ thử vĩ đại mà xem".
Còn về độ nổi tiếng của bản thân: "Tôi là người được nhận ra nhiều nhất lẫn được yêu thương nhất. Vì thời của Jesus và Moses làm gì có máy chụp hình hay vệ tinh để ghi lại hình ảnh của họ".
Nhưng sau này, người ta mới nhận ra mục tiêu thật sự của Ali sau những phát ngôn ấy. Đấy là cách để ông đưa thông điệp của mình đi xa hơn, như chính ông nói: "Ở nhà tôi rất khiêm tốn, nhưng tôi không muốn người đời thấy hình ảnh ấy của tôi, vì những người khiêm tốn không đi được quá xa".
Có một lần, sự tự kiêu của Ali phản tác dụng. Đấy là khi một tiếp viên hàng không yêu cầu ông cài dây an toàn. Ông nói: "Siêu nhân đâu có đeo dây an toàn làm gì".
Người tiếp viên ấy đáp ngay: "Siêu nhân cũng không đi máy bay, thưa ông".
Siêu nhân là nhân vật giả tưởng của hãng DC Comics. Và họ có hẳn một chương cho Ali đánh nhau với Siêu Nhân. Trong đó, Ali đã nói với Siêu nhân - một người ngoài hành tinh - rằng: "Chúng tôi là những kẻ vĩ đại nhất". Ở đây, chữ "tôi" trong tuyên ngôn nổi tiếng của Ali được thay bởi "chúng tôi". Đấy là một thông điệp khéo léo của DC Comics, kêu gọi mọi người hướng về một thế giới tốt đẹp hơn. Thế giới ấy không có phân biệt chủng tộc, không có chiến tranh, không có bạo lực và bất công như ước nguyện của Ali.
Ali qua đời sau 32 năm chống chọi với bệnh Parkinson, hậu quả của những tháng ngày chịu đòn trên võ đài quyền Anh. Nhưng ông chưa bao giờ hối hận. Bởi sứ mệnh của ông sinh ra là để đánh động lương tri con người, hướng họ đến một cuộc sống tốt đẹp hơn. Và để làm đại sự, những vết thương chính là huy chương. "Những kẻ nào không dám đánh đổi, hy sinh, không dám mạo hiểm thì cũng chẳng có được thành quả gì cả".
Những lời ấy của Ali sẽ còn vọng mãi đến thiên thu!
Hoài Thương