Các nhà khoa học tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) và Đại học Y Harvard, Mỹ, hợp tác để tạo ra DermalAbyss nhằm thay thế mực xăm truyền thống bằng mực xăm cảm biến sinh học có khả năng thay đổi màu sắc khi phản ứng với độ pH, natri và lượng đường trong máu, Cnet hôm 15/6 đưa tin.
"Đây là mực xăm chứa các cảm biến sinh học đầu tiên trên thế giới. Chúng tôi muốn thiết kế một hệ thống trên cơ thể có khả năng giám sát sức khoẻ con người", Ali Yetisen, thành viên của nhóm nghiên cứu tại Đại học Y Harvard, cho biết.
Người mắc bệnh tiểu đường thường phải chích máu ở da nhiều lần trong ngày nếu muốn kiểm tra lượng đường trong máu. Nhưng với mực xăm DermalAbyss, họ chỉ cần quan sát hình xăm trên cơ thể. Hình xăm sẽ chuyển đổi màu sắc từ xanh lam sang nâu nếu đường huyết cao hơn mức bình thường.
Khả năng của các hình xăm thông minh không chỉ dừng lại ở đó. Mất nước, vấn đề sức khỏe thường xảy ra hơn, có thể được theo dõi thông qua mực xăm chứa cảm biến natri. Nó hoạt động bằng cách chuyển thành màu xanh lá cây sặc sỡ dưới ánh sáng tia cực tím (UV) khi nồng độ muối trong cơ thể tăng lên. Các cảm biến pH có khả năng phát quang dưới tia cực tím, hoặc thay đổi theo mức độ kiềm bằng cách chuyển từ màu tím sang hồng.
Các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm thành công mực xăm cảm biến sinh học trên da lợn chết. Họ cho biết cần khắc phục một số hạn chế trước khi thử nghiệm trên sinh vật sống, chẳng hạn như mở rộng phạm vi và cường độ thay đổi màu sắc nhằm mang lại thông tin chính xác hơn.
"Có rất nhiều bước đi trong quá trình phát triển dự án này. Chúng tôi sẽ tiến hành thử nghiệm nhiều hơn trên da lợn chết, sau đó đến động vật sống và cuối cùng là con người", Katia Vega, nhà nghiên cứu tại MIT, nói.
Lê Hùng