Tại Đại hội khóa 9 hồi tháng 11, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đặt ra các mục tiêu cụ thể cho đội tuyển nam: vào top 10 tại khu vực châu Á, vào tứ kết Asian Cup 2023, dự vòng loại thứ ba khu vực châu Á World Cup 2026 và vào vòng chung kết World Cup 2030.
Tôi vẫn chưa hiểu tại sao VFF lại ham mê mục tiêu vào được World Cup như vậy? Đó tất nhiên là đích đến quan trọng. Nhưng nếu tôi là chủ tịch VFF, tôi sẽ đặt mục tiêu đơn giản hơn: tăng số lượng cầu thủ đá bóng. Ít nhất là để giới "cò" cầu thủ có thị trường lớn hơn, đỡ phải tranh nhau Quang Hải.
Hãy xem, hiện tại VFF đang tổ chức thi đấu như thế nào? Trên tầng cao nhất, V-League có 13 đội. Tầng dưới, hạng Nhất có 12 đội. Tầng dưới nữa, 14 đội tranh giải hạng Nhì. Hạng Ba thấp nhất có 16 đội. Khác với cách tổ chức giải đấu kiểu hình tháp của nhiều nước, giải của ta thuôn thuôn hình trụ.
Cứ cho mỗi đội có 20 cầu thủ, thì Việt Nam sẽ chỉ có khoảng 1.100 cầu thủ hàng năm được thi đấu dưới sự giám sát của VFF. Trong số 100 triệu dân. Quá ít về số lượng, để tạo cái nền đủ rộng nhằm tuyển lựa một đội tuyển đủ mạnh.
Anh em yêu bóng đá bàn luận mãi. Kẻ thì bảo học theo ngoại hạng Anh. Người thì nói nên học Đức. Đa phần nói ta nên học Nhật, Hàn. Thậm chí có đứa "gở miệng" còn bỉ bôi: theo được Thái còn khó.
Nếu phải lấy một nền bóng đá khác làm hình mẫu, tôi sẽ lấy Mexico. Đội tuyển nước này vào World Cup thường xuyên. Có thể ít người để ý đến Mexico vì họ không "bất ngờ gây sốc" như Nhật, Hàn. Thắng mấy đội "lìu tìu" như Bỉ, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Đức, Brazil, Morocco... là chuyện thường ngày ở huyện của họ.
Mexico, có dân số 130 triệu người. Giải chính thức của họ có bốn cấp với số đội lần lượt là: 18, 18, 44, 225. Tuy nhiên, Liên đoàn Bóng đá Mexico (MFF) chịu trách nhiệm hỗ trợ vô số đội bóng khác tuy không chính thức nhưng thi đấu quanh năm. Nên tổng cộng họ có khoảng 324.000 cầu thủ được đăng ký và ước tính 8.155.000 cầu thủ thi đấu thường xuyên không đăng ký.
Vậy, tôi sẽ tạo nên một cộng đồng cầu thủ rộng khắp, và gia tăng đáng kể số lượng giải đấu chính thức để các đơn vị như huyện xã không chỉ đều có đội bóng mà còn tham gia thi đấu thường xuyên, quanh năm. Ví dụ mỗi huyện một đội, sẽ có 500 đội; mỗi xã một đội cấp dưới nữa, sẽ có 10.000 đội. VFF sẽ có khoảng 200.000 cầu thủ để nuôi dưỡng và lựa chọn.
Các bạn sẽ hỏi tiền đâu? Cầu thủ bây giờ lương cao ngất trời.
Nhưng, chính vì quá ít cầu thủ, nên lương thưởng mới bị lạm phát như vậy. Chứ cứ mỗi vị trí trên sân mà có đến 200 chú cạnh tranh thì đâu đến nỗi các đại gia cũng chịu không thấu phải bỏ đội chạy lấy người.
Lời giải đơn giản: đá bóng mà muốn VFF quan tâm á? (mà ai đá bóng rồi cũng sẽ muốn được VFF quan tâm), xì tiền ra. Giải xã, thì xã cấp nước chè, cầu thủ nộp khoai, sắn để được thi đấu. Giải huyện, thì huyện chi cho trọng tài, sân bãi, cúp nhựa. Các xã tự lo xe cộ, ăn ở cho đội của mình. VFF cử ngôi sao đến phát biểu, chụp ảnh với đội vô địch. Các cò, tuyển trạch viên tha hồ đến xem giò, xem cẳng.
Ở những lĩnh vực khác, Việt Nam đã làm được điều tương tự. Ví dụ câu chuyện về Ngô Bảo Châu và các lớp chuyên Toán từ những năm 1960.
Năm 2010, Ngô Bảo Châu được nhận giải thưởng Fields - giải thưởng cao nhất của các nhà Toán học. Thành tựu mũi nhọn này của Châu ít nhiều bắt nguồn từ tầm nhìn của cố thủ tướng Phạm Văn Đồng và các lãnh đạo Việt Nam.
Năm 1965, giáo sư Lê Văn Thiêm, hiệu phó Đại học Tổng hợp Hà Nội được cố thủ tướng chỉ thị: "Dù chiến tranh ác liệt đến đâu, trường vẫn phải đi đầu mở các lớp Toán".
Thủ tướng đã nói với các nhà lãnh đạo giáo dục rằng, nhiều ngành khác thường phải bạc đầu mới thành bác học. Toán học không phải bạc đầu đâu, ta có thể đi nhanh. Để "đi nhanh", Thủ tướng nêu phương hướng rất rõ ràng: Nếu trong trường phổ thông, ta có cách phát hiện phần lớn và đừng bỏ sót những em có năng khiếu, rồi có cách nâng đỡ cho các em phát huy tài năng thì ta sẽ sớm có những nhà toán học trẻ.
Quyết định mở các lớp Toán thể hiện tầm nhìn vượt trội về giáo dục. Không cần nhiều tiền bạc, dự án, đầu tư; chỉ cần sự tận tâm, ham học và sáng tạo của thầy và trò, sự động viên vô điều kiện của các cấp lãnh đạo, đã có hàng chục nghìn học sinh say mê giải Toán theo sự hướng dẫn của các thầy giáo làng.
Năm 1974, học sinh Việt Nam đã tham gia cuộc thi Toán quốc tế đầu tiên và Hoàng Lê Minh ngay lập tức đoạt huy chương vàng, với 94,24% điểm, trong sự nể phục của bạn bè thế giới.
Sai lầm của VFF, cũng chính là của chúng ta, tức là xem Premier League với World Cup nhiều quá, rồi ngộ nhận bắt chước họ mà không tin vào thực lực và con đường của chính mình.
Nguyễn Thành Nam