"Năm ngoái, tại I/O, chúng tôi công bố Google AI với nỗ lực đưa những lợi ích của trí tuệ nhân tạo đến cho mọi người. Chăm sóc sức khoẻ là một lĩnh vực quan trọng mà AI đang tạo nên chuyển biến lớn", CEO Sundar Pichai của Google phát biểu tại sự kiện I/O đang diễn ra ở Mountain View, California (Mỹ).
Một ví dụ mà Pichai nhắc đến là việc AI giúp đưa ra những nhận định chính xác với các bệnh nhân võng mạc tiểu đường. Khi đi khám, người bị tiểu đường sẽ được chụp võng mạc để các bác sĩ xác định liệu bệnh nhân có cần điều trị bệnh lý về mắt do biến chứng tiểu đường hay không. Quá trình đánh giá này mất khoảng vài giờ.
Tuy nhiên, với công nghệ AI do Google phát triển, việc chẩn đoán chỉ diễn ra trong vài phút với độ chính xác lên tới 98,6%. Google đã triển khai thí điểm tại một số bệnh viện Ấn Độ, nơi được coi là trung tâm của tiểu đường. Các bệnh viện này vẫn thực hiện song song giữa việc chẩn đoán thủ công và bằng AI. Khi có kết quả khác nhau giữa con người và AI, họ sẽ tham khảo ý kiến của chuyên gia về mắt và AI có tỷ lệ đúng cao hơn.
Google không phải công ty công nghệ duy nhất đặt mục tiêu phát triển công nghệ AI để hỗ trợ các bác sĩ trong việc khám chữa bệnh. Microsoft cũng đang ứng dụng trí tuệ nhân tạo nhằm giảm nguy cơ mắc bệnh mù loà. Trong khi đó, IBM từ lâu đã triển khai công nghệ Watson để chẩn đoán ung thư.
Với khả năng đọc 40 triệu tài liệu trong vòng 15 giây để phân tích và tổng hợp khối lượng thông tin khổng lồ về những ca bệnh tương tự, hệ thống trí tuệ nhân tạo IBM Watson for Oncology (WFO) có thể đưa ra được những phác đồ điều trị phù hợp cho bệnh nhân ung thư để các bác sĩ tham khảo trước khi đưa ra quyết định về hướng điều trị. WFO đang được ứng dụng tại hơn 80 bệnh viện ở 11 quốc gia trên thế giới.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ là nơi đầu tiên ở Việt Nam thử nghiệm hệ thống WFO từ đầu năm nay và đã có những kết quả ấn tượng đầu tiên. Bệnh nhân Đàm Thị Hạnh (Vĩnh Phúc) bị ung thư phổi từ năm 2015. Sau hai năm, khối u đã di căn vào xương khiến chị không thể đi lại. Khi nghe nói đến WFO, chị quyết định lên Phú Thọ tìm hiểu. Dựa trên hồ sơ bệnh nhân, WFO đã đưa ra một phác đồ điều trị tham khảo và nhận được sự thống nhất của hội đồng chuyên môn. Sau hai tháng theo phác đồ này, sức khoẻ của chị Hạnh tiến triển tốt, có thể đi lại mà không cảm thấy đau đớn.
AI không thay thế bác sĩ, nhưng hứa hẹn hỗ trợ các bác sĩ một cách hiệu quả nhờ có thể nhanh chóng xử lý được khối lượng khổng lồ và độ phức tạp của thông tin để tìm ra những ca bệnh tương tự.