Phiên thảo luận của Quốc hội về kinh tế - xã hội chiều 5/11 ghi nhận nhiều ý kiến đại biểu về việc đặt mục tiêu tăng trưởng 6% trong năm 2021 và vấn đề giữ rừng tự nhiên.
Đại biểu Dương Văn Thống - Phó bí thư Tỉnh ủy Yên Bái, nêu ý kiến, hơn 5 tháng trước, Chính phủ dự báo hai kịch bản tăng trưởng năm 2020, thấp nhất là 3,6 và cao nhất 5,2%. "Nay nhìn lại cả hai kịch bản chưa sát thực tế", ông nói.
Theo ông Thống, đại dịch Covid-19 đã và đang tác động tiêu cực tới kinh tế, đầu tư, thương mại. Mục tiêu tăng trưởng năm 2021 là 6% khiến ông cảm thấy "đồng tình trong phân vân". Nguyên nhân do gần đây một số tổ chức kinh tế dự báo tình hình kinh tế u ám hơn trong thời gian tới. "Tôi đề nghị đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế chậm hơn, không nhất thiết đề ra chỉ tiêu cao sau đó điều chỉnh liên tục", ông Thống nói.
![202011051623057843-Du-o-ng-Va-n-Tho-ng-D](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2020/11/05/202011051623057843-Du-o-ng-Va-7220-3491-1604576979.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=nf_efmfGGh-UIT5QWAMgTw)
Đại biểu Dương Văn Thống. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội
Giải trình ý kiến trên, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói, Việt Nam bước vào năm 2020 với kết quả của 4 năm cơ bản đạt và vượt mục tiêu đã đề ra, nhưng ngay từ đầu năm nay đã đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ đại dịch Covid-19; thiên tai bão lụt với tần suất liên tiếp, tập trung chủ yếu vào khu vực miền Trung.
Trong bối cảnh "khó khăn chưa từng có trong lịch sử", Việt Nam vẫn là một trong số ít nước trên thế giới tăng trưởng dương, sản xuất có dấu hiệu phục hồi, xuất siêu đạt kỷ lục...
Theo ông Dũng, bên cạnh thách thức có cơ hội, và nếu tận dụng được thì khả năng đạt được mức tăng trưởng cao vào năm 2021 là có cơ sở. Hơn nữa, mức tăng trưởng năm 2020 dự kiến thấp (2 - 3%) là căn cứ xây dựng tăng trưởng năm 2021 cao hơn bình thường. Việc đặt mục tiêu tăng trưởng 2021 tăng 6% cũng tạo nền tảng vững chắc cho giai đoạn 2021 - 2025.
![Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2020/11/05/Nguyen-Chi-Dung-15-6-1-8589-15-4290-2773-1604576979.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=hierwt3OYJWB9HaGnlZS0Q)
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội
Về vấn đề giữ rừng, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn làm rõ diện tích rừng tự nhiên và rừng trồng ở Việt Nam, vì vai trò của hai loại rừng này khác nhau. "Không phải ngẫu nhiên mà ở các quốc gia rộng lớn về lãnh thổ như Mỹ hay Canada đều kiên quyết bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ rừng tự nhiên", ông Nghĩa nêu vấn đề.
Trả lời, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nói, trong 30 năm qua, diện tích rừng từ 9 triệu ha tăng lên 14,6 triệu ha. Trong số này có 10,3 triệu ha rừng tự nhiên. Như vậy, so với 30 năm trước, diện tích rừng tự nhiên tăng thêm 1,3 triệu ha.
![202011051142122512-Tru-o-ng-Tro-ng-Nghi-](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2020/11/05/202011051142122512-Tru-o-ng-Tr-6751-9070-1604576979.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=A6UmBSVQL5kcTbcHaQ3Wcg)
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội
"Tuy nhiên, phải khẳng định diện tích rừng tự nhiên hiện nay chưa được tốt, bởi vì trong tổng số 10,3 triệu ha, chỉ có 15% rừng giàu trữ lượng, 50% rừng trung bình, 35% rừng nghèo. Đây là thực tế mà chúng ta phải có trách nhiệm", Bộ trưởng Cường thừa nhận.
Vì vậy, ông nói tới đây phải tăng hơn nữa định mức hỗ trợ để người dân tham gia bảo vệ rừng tự nhiên, để rừng ngày càng giàu về trữ lượng và đa dạng sinh học.
"Với 14,3 triệu ha rừng trồng, tới đây cũng được thay bằng cơ cấu cây rừng lâu năm, kết hợp với nhóm cây bản địa. Chiến lược phát triển rừng 2021 - 2030 sẽ cố gắng để có rừng ngày càng chất lượng", ông Cường cam kết với Quốc hội.
Đại biểu Ksor H’Bơ Khăp nêu băn khoăn về con số diện tích rừng tăng từ 9 triệu ha lên 14,6 triệu ha trong 30 năm qua. Theo bà, nếu đúng vậy thì "rất đáng mừng", nhưng thực tế thời gian qua bà thấy nhiều dự án, công trình chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, chuyển rừng đầu nguồn, phòng hộ (rừng tự nhiên) sang mục đích khác. "Vậy làm sao diện tích rừng tự nhiên tăng lên?", bà nêu băn khoăn và cho rằng, không nên tính diện tích trồng cây cà phê, cây cao su vào tỷ lệ che phủ rừng.
Liên quan đến các dự án điện năng lượng mặt trời, đại biểu Ksor H’Bơ Khăp không đồng tình với trả lời trước đó của Bộ trưởng Công Thương là "chủ đầu tư sẽ có trách nhiệm xử lý pin năng lượng mặt trời hết hạn sử dụng".
Bà mong Bộ trưởng Công thương - người đứng đầu ngành đưa ra phương án xử lý. "Hiện cán bộ và nhân dân ở địa phương có pin năng lượng mặt trời lo lắng. Cá nhân tôi cũng vậy", bà nói và cho biết nơi mình sống pin năng lượng mặt trời tràn lan.
Nữ đại biểu nói "sau này pin đó hết hạn sử dụng thì dùng để làm gì? Vùng lòng chảo của chúng tôi có đặc sản là bò một nắng, những tấm pin đó sẽ được đưa lên mặt trăng hay tiếp tục dùng để làm bò một nắng?".
Kết thúc 3 ngày thảo luận ở hội trường về kinh tế - xã hội, đã có 112 đại biểu nêu ý kiến, 4 người phát biểu hai lần, 18 đại biểu tham gia tranh luận. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đã tham gia phát biểu, làm rõ vấn đề đại biểu quan tâm.
Ngày mai 6/11, Quốc hội bắt đầu các phiên chất vấn.
Hoàng Thùy - Minh Sơn - Viết Tuân
Xem diễn biến chính