Ngày 21/12, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bất ngờ tới thăm Mỹ, hội đàm với Tổng thống Joe Biden và phát biểu tại Đồi Capitol. Mục tiêu chuyến thăm của ông Zelensky là kêu gọi Mỹ tiếp tục hỗ trợ vũ khí mạnh hơn để tăng cường năng lực quân sự của Ukraine để có thể phát động các chiến dịch phản công lớn trong năm tới.
Nhưng sau cuộc hội đàm tại Nhà Trắng và bài phát biểu được chào đón nồng nhiệt tại Đồi Capitol, có rất ít dấu hiệu cho thấy ông Zelensky đã thành công, ít nhất là trong ngắn hạn, theo Karen DeYoung và Missy Ryan, hai nhà phân tích của Washington Post.
Trong bài đăng Twitter với tiêu đề "danh sách điều ước Giáng sinh của tôi" được đăng đầu tháng này, Mykhailo Podolyak, cố vấn của Tổng thống Zelensky, đã đưa ra năm thứ mà Kiev mong muốn nhất. Danh sách này gồm tên lửa đạn đạo chiến thuật ATACMS có tầm bắn 300 km, xe tăng chiến đấu Leopard và Marder của Đức, xe tăng M1 Abrams của Mỹ, cùng hệ thống phòng không Patriot.
Song bốn loại vũ khí tiến công đầu tiên đã bị chính quyền Tổng thống Biden từ chối. Chỉ có một tổ hợp tên lửa phòng không Patriot được Mỹ đưa vào gói viện trợ mới trị giá 1,85 tỷ USD cho Ukraine.
Quan chức quốc phòng Mỹ nói rằng Ukraine đã có đủ những chiếc xe tăng được sản xuất từ thời Liên Xô, xe tăng M1 Abrams của Mỹ mà Kiev muốn được chuyển giao quá khó bảo dưỡng và vận hành. Trong cuộc họp báo chung với ông Zelensky, khi được hỏi về khả năng chuyển giao tên lửa tầm xa có thể giúp Ukraine tấn công mục tiêu sâu trong lãnh thổ Nga, ông Biden cảnh báo những vũ khí như vậy có thể phá vỡ khối thống nhất của NATO trong hỗ trợ Ukraine.
"Nhiều thành viên NATO không muốn châm ngòi một cuộc xung đột trực tiếp với Nga", ông Biden nói.
Thay vì chuyển giao những vũ khí uy lực hơn, các quan chức chính quyền ông Biden tỏ ra hào hứng hơn với ý tưởng đàm phán. Họ thảo luận về những gì Kiev cần nhằm đảm bảo vị thế mạnh mẽ nhất để "thúc đẩy một cuộc đàm phán", theo một quan chức cấp cao Mỹ.
Quan chức này nhắc lại quan điểm của chính quyền rằng các cuộc thảo luận này không đồng nghĩa Mỹ áp đặt "các cuộc đàm phán phải được tiến hành ra sao, vào thời điểm nào hoặc lằn ranh đỏ của nó là gì", bởi đó là những quyết định mà Ukraine phải tự đưa ra.
Giới quan sát cho rằng những gì đã diễn ra trong chuyến thăm của ông Zelensky cho thấy Mỹ và Ukraine có chung lập trường về đối phó Nga, nhưng không đồng nghĩa Washington và Kiev đồng quan điểm về mọi mặt.
"Cuộc gặp là cơ hội để ông Biden và ông Zelensky thảo luận nghiêm túc về những gì Mỹ sẽ thực hiện, chứ không phải yêu cầu lãnh đạo Ukraine phải làm gì, để đảm bảo hai bên có tầm nhìn chung về mục tiêu và thấu hiểu nhau", Ivo Daaler, cựu đại sứ Mỹ tại NATO và hiện là chủ tịch Hội đồng Chicago về các vấn đề toàn cầu, nói.
"Ông Biden vẫn lo lắng về nguy cơ đẩy mọi thứ đi quá xa và quá nhanh, có thể làm căng thẳng với Nga leo thang vượt kiểm soát. Trong khi đó, ông Zelensky muốn nói rằng ông ấy cần sự hỗ trợ liên tục mà chỉ có Mỹ mới có thể cung cấp", Daaler nói thêm.
Các nhà phân tích cho biết có ba kịch bản đàm phán kết thúc xung đột. Đầu tiên là một phần kế hoạch hòa bình mà ông Zelensky đề xuất tháng trước, trong đó cho rằng Nga phải rút khỏi tất cả các lãnh thổ đang kiểm soát, gồm Crimea và các khu vực ở Donbass. Kịch bản thứ hai là hai bên quay lại với ranh giới như năm 2014, trong đó Nga kiểm soát các vùng ly khai ở Donbass. Kịch bản cuối cùng là lực lượng Nga rút khỏi Donbass, nhưng vẫn kiểm soát Crimea.
Tuy nhiên, ông Zelensky không ủng hộ hai kịch bản sau, lưu ý rằng hòa bình chỉ có thể đạt được khi Nga rút khỏi tất cả các khu vực đang kiểm soát, kể cả bán đảo Crimea. Đây là kịch bản mà Nga đã tuyên bố là "không thể chấp nhận".
Trong cuộc gặp ngày 21/12, ông Biden đã "thăm dò" những suy nghĩ hiện tại của ông Zelensky về khả năng đàm phán, theo quan chức cấp cao trong chính quyền. Nhưng quan chức này thừa nhận cuộc thảo luận đó không có nhiều ý nghĩa, bởi Moskva dường như không quan tâm tới đàm phán vào lúc này.
"Điều Nga muốn là một lệnh ngừng bắn tạm thời, để có thêm thời gian tái tập hợp và huấn luyện lực lượng mới", Liana Fix, nhà nghiên cứu về châu Âu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ở Mỹ, nhận định. Nga đang "câu giờ" sau những bước lùi của họ trước đợt phản công của Ukraine hồi mùa thu, theo Fix.
Tại cuộc họp cuối năm của Bộ Quốc phòng Nga hôm 21/12, Tổng thống Putin và Bộ trưởng Quốc phòng Sergey Shoigu cùng công bố những sáng kiến mới, gián tiếp thừa nhận những thất bại trước đó. Ông Shoigu đề xuất tăng quy mô lực lượng vũ trang từ một triệu người trong năm nay lên 1,5 triệu người, lập 20 sư đoàn mới và tăng tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Tổng thống Putin tán thành những đề xuất đó, nhưng lưu ý các vấn đề trong hoạt động chiến đấu cần "được giải quyết một cách đặc biệt". Ông chỉ thị cho Bộ trưởng Shoigu cung cấp cho quân đội vũ khí, thiết bị y tế, khẩu phần ăn và giày dép "tốt nhất", theo TASS.
"Chúng ta không hạn chế về ngân sách quốc phòng, mà sẽ cung cấp tất cả những gì quân đội cần. Tôi hy vọng rằng điều này sẽ mang lại kết quả tương xứng", ông Putin nói.
Trong khi các lãnh đạo quân sự hàng đầu của Ukraine cảnh báo về những đợt tấn công mới của Nga trong vài tháng tới, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Washington tin giới lãnh đạo ở Moskva đang có những quan điểm trái ngược.
Họ nhận định một số quan chức Nga muốn kiểm soát thêm lãnh thổ, trong khi những người khác lo ngại lực lượng Nga chưa sẵn sàng tiến hành các chiến dịch quân sự lớn. Tuy nhiên, quan chức Mỹ tin Điện Kremlin không có dấu hiệu suy nghĩ nghiêm túc về khả năng rút quân hay theo đuổi hòa bình.
Các hệ thống vũ khí mới mà Mỹ và đồng minh cung cấp, đặc biệt là hệ thống tên lửa Patriot, sẽ hỗ trợ Ukraine đối phó với các cuộc không kích của Nga vào cơ sở hạ tầng đất nước. Các quan chức quốc phòng Mỹ nói mục tiêu của quyết định chuyển giao hệ thống Patriot là cung cấp hệ thống phòng thủ nhiều lớp chống lại tên lửa hành trình và máy bay không người lái của Nga.
"Đây không phải là một giải pháp phòng không toàn diện cho Ukraine", một quan chức quốc phòng Mỹ nói về hệ thống Patriot. "Đây là bước tiếp theo trong nhiều bước mà chúng tôi đang theo đuổi. Với khẩu đội Patriot, chúng tôi sẽ cung cấp khả năng đáng gờm, nhưng Mỹ và đồng minh sẽ tiếp tục làm việc để củng cố hệ thống phòng không cho Ukraine".
Song một số quan chức cấp cao Ukraine cho rằng cách duy nhất để ngăn chặn các cuộc không kích của Nga là đánh chặn từ đầu, đồng nghĩa tung đòn tấn công các sân bay và trận địa phóng tên lửa của Nga, Mykhailo Zabrodskyi, phó chủ tịch Ủy ban An ninh, Quốc phòng và Tình báo Quốc gia Ukraine, nói.
Ông thêm rằng để làm được điều này, ngoài hệ thống Patriot, Ukraine cần thêm tên lửa ATACMS cũng như các loại xe tăng hiện đại của Mỹ và Đức.
Nhưng Đức ngày 21/12 tuyên bố sẽ không chuyển những vũ khí này cho Ukraine trước khi Mỹ làm vậy. Dù ưu tiên của Đức là "hỗ trợ Ukraine nhiều nhất có thể", người phát ngôn chính phủ Steffan Hebestreit nói rằng ưu tiên khác là đảm bảo NATO không rơi vào xung đột với Nga, đồng thời Berlin cũng không hành động một mình.
"Thực tế là đến nay, không có xe tăng chiến đấu chủ lực nào của phương Tây được chuyển giao cho Ukraine", Hebestreit nói.
Dù không thành công trọn vẹn về mặt chuyển giao vũ khí, chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Zelensky đã mang lại nhiều hy vọng. "Ông Zelensky đang nỗ lực củng cố và mở rộng nền tảng ủng hộ Ukraine", Daniel Fried, chuyên gia Hội đồng Đại Tây Dương, nói.
Mục tiêu đó dường như đã đạt được, trong bối cảnh nhiều người lo ngại Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát từ tháng 1/2023 sẽ có nhiều tiếng nói phản đối tăng viện trợ quân sự cho Ukraine. "Sau chuyến thăm của ông Zelensky, chúng ta có thể hy vọng vào sự ủng hộ của lưỡng đảng tại quốc hội dành cho Ukraine", Fried nói.
Thanh Tâm (Theo Washington Post)