Phố biển Quy Nhơn được ưu ái rất nhiều hải sản tươi ngon, nhất là những chú mực ống mũm mĩm, căng thớ thịt chờ những đầu bếp trổ tài. Mùa mực thường nở rộ nhanh và kết thúc nhanh không kém. Để có thể lai rai món mực lâu hơn, dân xứ biển "biến tấu" thành mực khô, mực kho mặn, và đặc sắc nhất là món mực rim
Mực được phơi nắng khoảng hai buổi trưa cho thịt săn, có độ dai nhưng chưa khô quắc và cứng, như thế là nguyên liệu lý tưởng cho món mực rim.
Khâu quan trọng nhất là chế biến hỗn hợp gia vị để tẩm ướp mực, quyết định "thành bại" của món mực rim. Dân sành ăn chỉ cần nếm lát mực là có thể đoán định đầu bếp cho hơi quá ngọt hay chưa đủ độ cay.
Nghệ thuật pha chế nước sốt phải cân bằng được các vị chua, cay, mặn, ngọt và làm sao để vị không lấn át nhau, người ăn sẽ cảm nhận từng vị lần lượt lan tỏa trong mỗi miếng mực hấp dẫn. Tỏi băm nhuyễn, ớt đỏ tươi, muối, đường, tiêu kết hợp theo một tỷ lệ phù hợp, nấu cho đến khi có màu vàng nâu và độ sền sệt đặc trưng thì cho mực khô vào, để lửa rất nhỏ hoặc quạt than hồng cho ngấm gia vị.
Sau khi gia vị ngấm đều vào từng lát mực, để nguội rồi có thể thưởng thức hoặc cho vào hũ, giữ được nguyên hương vị trong 3-4 tháng. Mực rim ăn nóng không ngon, phải chờ cho thật nguội, cắn miếng mực nghe từng mùi vị lướt qua đầu lưỡi, ngọt, cay, mằn mặn và còn đó mùi mực không thể lẫn. Thịt mực dai nhưng ta cứ muốn ăn mãi.
Món mực rim là bí kíp để những bà mẹ thu phục những đứa con biếng ăn. Vài lát mực xé nhỏ, trộn với cơm nóng thì những đứa trẻ tha hồ "bới cho con chén nữa mẹ ơi". Ngày nhỏ, bọn chúng tôi đứng say mê nhìn xâu mực rim tẩm đầy gia vị "đầy gọi mời" trong quán cô Tám trước cổng trường tiểu học. Ngày đó chỉ một nghìn một xâu mực mà cả bọn phải gom góp tiền, rồi chia nhau "xay xát" những con mực ngon lành.
Ký ức tuổi thơ bỗng dội về khi nhìn thấy những hũ mực rim hấp dẫn mà một bà mẹ chu đáo gửi xe khách tận Quy Nhơn cho cô con gái trọ học tận Sài Gòn. Món ăn quê nhà là cách gợi nhắc tình cảm gia đình, sự chắt chiu khó nhọc của vùng đất quê hương.
Khánh Ly