Thông tin nêu trong văn bản Công ty TNHH Đầu tư đường cao tốc Nha Trang - Cam Lâm (nhà đầu tư) vừa gửi Bộ Giao thông Vận tải và các đơn vị liên quan về việc thu phí cao tốc Nha Trang - Cam Lâm. Việc này nhằm hoàn vốn cho dự án được khởi công vào năm 2021, khai thác từ hồi tháng 5/2023.
Nhà đầu tư sẽ thu phí dịch vụ theo hình thức điện tử không dừng (ETC) trên cao tốc từ ngày 26/4, gần với thời điểm cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo dự kiến thông xe. Theo đó, mức phí toàn tuyến cao tốc Nha Trang - Cam Lâm nhóm 1 (xe dưới 12 chỗ; xe tải trọng dưới 2 tấn; xe buýt) là 81.904 đồng. Các nhóm còn lại được tính theo hệ số so với nhóm 1, gồm: xe nhóm 2 là 1,3 lần; nhóm 3 là 1,7 lần; nhóm 4 là 2,7 lần; nhóm 5 là 3,8 lần. Việc thu phí sẽ kéo dài 16 năm 4 tháng.
Loại ôtô | Đơn giá mỗi km (đồng) | Toàn tuyến 49 km (đồng) |
Nhóm 1 (xe dưới 12 chỗ; xe tải trọng dưới 2 tấn; xe buýt) | 1.669 | 81.904 |
Nhóm 2 (xe từ 12-30 chỗ; xe tải trọng 2-4 tấn) | 1.669 | 106.475 |
Nhóm 3 (xe trên 30 chỗ; xe tải trọng 4-10 tấn) | 1.669 | 139.236 |
Nhóm 4 (xe tải trọng 10-18 tấn; xe chở hàng container 20 fit) | 1.669 | 221.140 |
Nhóm 5 (xe có tải trọng trên 18 tấn; xe chở hàng bằng container 40 fit) | 1.669 | 311.234 |
Trước đó, cao tốc Nha Trang - Cam Lâm có 4 trạm thu phí tại nút giao Diên Khánh, Suối Dầu, Cam Lâm và Cam Ranh, kế hoạch thu phí vào cuối năm 2023. Tuy nhiên, việc này chưa thể vận hành do đợi tuyến Cam Lâm - Vĩnh Hảo hoàn thiện mới có thể khớp nối, thu phí toàn tuyến.
Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm dài hơn 49 km qua tỉnh Khánh Hòa, đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) với hơn 7.600 tỷ đồng. Còn cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo dài 80 km với tổng vốn 8.925 tỷ đồng theo hình thức hợp đồng đối tác công tư (PPP).
Hai tuyến cao tốc trên nối với ba đoạn cao tốc (Long Thành - Dầu Giây, Dầu Giây - Phan Thiết, Phan Thiết - Vĩnh Hảo) đã hoàn thành trước đó. Tuyến sẽ kết nối thông suốt, rút ngắn thời gian còn 4-5 giờ khi đi từ TP Nha Trang (Khánh Hòa) tới TP HCM bằng cao tốc, giảm một nửa so với đi quốc lộ 1.
Bùi Toàn