Dee chia sẻ ảnh chụp và video ghi hình mực khổng lồ với đôi mắt to đặc trưng trên mạng xã hội Twitter. Trong video, một nhà sinh vật học hải dương kiểm tra xác mực và lật phần thịt che khuất chiếc mỏ dùng để săn mồi và kiếm ăn của con vật. Chiếc mỏ lớn ngang nắm tay của nhà khoa học.
Mực khổng lồ hiếm khi được ghi nhận còn sống ngoài môi trường biển sâu và dành phần lớn thời gian ở độ sâu 300 - 1.000 m bên dưới mặt nước. Lần đầu tiên một con mực sống xuất hiện là vào năm 2006 ở ngoài khơi quần đảo Ogasawara, Nhật Bản. Giới nghiên cứu không biết rõ phạm vi phân bố của chúng trên toàn cầu do sự khan hiếm của cá thể sống.
"Mực khổng lồ dạt vào bờ rất ít gặp. Lần gần nhất một con mực mắc cạn ở Kommetjie là cách đây 7 tháng", Gregg Oelofse, quản lý lực lượng tuần duyên Cape Town, cho biết.
Con mực trước đó được tìm thấy chỉ cách đó vài kilomet và ở trong tình trạng tồi tệ hơn nhiều so với con mực phát hiện vào tuần này. Các ngư dân đã lấy mắt, mỏ và xúc tu, chỉ để lại phần thân của con vật. Nhà chức trách thu thập mẫu vật từ cái xác trước khi ném xuống biển.
Mực khổng lồ nằm trong số những loài động vật chân đầu lớn nhất. Cá thể như con mực dạt vào Cape Town có thể dài tới 13 m. Chúng có 8 cánh tay và hai xúc tu phụ để kiếm ăn. Bề mặt xúc tu phủ đầy giác hút lớn đường kính 2,5 - 5 cm. Các giác hút giúp mực giữ chặt con mồi và kéo về phía chiếc mỏ sắc nhọn giữa những cánh tay. Chúng dùng mỏ để chia con mồi thành những miếng vừa miệng.
Mực khổng lồ có đôi mắt lớn nhất trong vương quốc động vật với đường kính 25 cm, theo National Geographic. Chúng tiến hóa đôi mắt to như vậy để thích nghi với bóng tối dưới biển sâu. Mực khổng lồ có rất ít kẻ thù do kích thước và môi trường sống của chúng. Tuy nhiên, chúng là con mồi ưa thích của cá nhà táng và thường được phát hiện trong dạ dày của cá voi hoa tiêu, cá mập sleeper phương nam và đôi khi cả cá voi sát thủ. Mẫu vật thu thập từ xác mực ở Scarborough sẽ được đưa tới Bảo tàng Nam Phi Iziko ở Cape Town để nghiên cứu.
An Khang (Theo Newsweek)