Nhóm chuyên gia của Viện Nghiên cứu Nước và Khí quyển New Zealand (NIWA) thu được một con mực khổng lồ và vài con cá mập phát sáng trong bóng tối khi khảo sát cá hoki ở Chatham Rise, vùng biển lớn ở phía đông đất nước. Sáng ngày 21/1, thủy thủ đoàn trên tàu nghiên cứu Tangaroa kéo mẻ lưới từ độ sâu 442 m và phát hiện họ bắt nhầm con mực.
Theo Darren Stevens, trưởng đoàn thám hiểm, con mực dài hơn 4 mét và nặng khoảng 109 kg. Nhóm nghiên cứu phải huy động 6 người nâng con mực lên tấm vải dầu, dù nó khá nhỏ so với những con cùng loài. Mực khổng lồ phân bố ở khắp nơi trên thế giới nhưng các nhà nghiên cứu hiếm khi trông thấy chúng bởi loài vật sống ở vùng biển sâu. Phần lớn hiểu biết của chúng ta về loài này đến từ xác mực trôi dạt vào bờ. Do đó, việc tìm thấy mẫu vật trong lưới đánh cá khiến nhóm nghiên cứu vô cùng mừng rỡ.
Theo Stevens, vùng biển ngoài khơi New Zealand dường như tập trung nhiều mực khổng lồ. Cứ khoảng 10 năm, các nhà nghiên cứu NIWA lại bắt được một cá thể. Nhóm nghiên cứu đã gửi các bộ phận có giá trị về mặt khoa học của mẫu vật, bao gồm mắt, đầu, ruột và cơ quan sinh sản cho Ryan Howard, chuyên gia về mực ở Đại học Công nghệ Auckland, New Zealand, để kiểm tra kỹ hơn. "Chúng tôi lấy ruột bởi hiện nay, chúng tôi chưa biết gì về chế độ ăn của mực khổng lồ", Stevens giải thích.
Mắt của mực khổng lồ có kích thước lớn nhất trong thế giới động vật. "Chỉ cần hai con mắt của mực khổng lồ là đủ cho một bài báo khoa học. Bộ phận này thực sự rất hiếm và bạn cần mẫu vật chưa phân hủy", Stevens nói.
Cũng trong chuyến thám hiểm, nhà nghiên cứu Jérôme Mallefet ở Đại học Thiên Chúa giáo Louvain tại Bỉ còn bắt và chụp ảnh vài con cá mập phát quang. Các mẫu vật thuộc ba loài cá mập đèn lồng phương nam, cá nhám nâu và cá mập hải cẩu.
An Khang (Theo Newsweek)