Mức hỗ trợ cao, người dân sẽ tự giác bắt gà dịch đi tiêu huỷ. Ảnh: Anh Tuấn |
Ông Ngô Chí Dũng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau, cho biết đang bàn với 4 tỉnh lân cận gồm Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang, Kiên Giang để thống nhất nâng mức hỗ trợ tiêu huỷ gia cầm. Cà Mau dự kiến 3 mức cho gà gồm: 15.000 đồng/con trên 1 kg; 10.000 đồng/con 0,5-1 kg; 5.000 đồng/con dưới 0,5 kg. Với vịt, mức hỗ trợ đề xuất là 10.000 đồng/con trên 1 kg; 5.000 đồng/con dưới 1 kg.
Hiện Cà Mau áp dụng mức hỗ trợ theo quyết định 396 của Chính phủ, tức 5.000 đồng/gà, vịt trưởng thành; 2.000 đồng/gà, vịt dưới 30 ngày tuổi; 1.000 đồng/chim cút và 200 đồng/trứng gà vịt. Ông Dũng cho rằng, so với giá thị trường, mức đó quá thấp. Thực tế một số nơi như TP HCM, Long An đã nâng lên gấp đôi so với quy định.
"Năm ngoái nhiều chủ hộ chăn nuôi đã xua gia cầm sang các tỉnh có mức hỗ trợ cao để hưởng chênh lệch hoặc bán đổ bán tháo, làm dịch lây lan nhanh. Năm nay, 5 tỉnh chúng tôi đang bàn để thống nhất ban hành một biểu giá hỗ trợ chung", ông Dũng nói.
Dù đã nâng mức hỗ trợ tiêu huỷ gia cầm cao hơn so với quy định của Chính phủ, song để khuyến khích bà con tự nguyện khai báo khi có dịch, tránh di chuyển gia cầm sang các tỉnh lân cận, Bến Tre cũng đang xem xét nâng thêm. Ông Mai Văn Hiệp, Chi cục trưởng Thú y tỉnh Bến Tre, cho biết, đang đề xuất với UBND tỉnh để có thể hỗ trợ 10.000 đồng/gà vịt đẻ; 7.000 đồng/gà vịt thịt, cao hơn 2.000 đồng so với hiện nay.
Các tỉnh mạnh dạn nâng mức hỗ trợ vì vào thời điểm này, dịch xảy ra không lớn, gia cầm không bị tiêu huỷ ồ ạt như năm ngoái. Long An là tỉnh đi đầu nâng mức hỗ trợ lên gấp đôi quy định của Chính phủ. Chi cục trưởng Thú y Nguyễn Duy Long cho biết, bà con đã tự giác khai báo khi có dịch. Ông khẳng định, năm nay kinh phí tiêu huỷ gia cầm sẽ giảm, từ đầu vụ dịch đến giờ toàn tỉnh mới có 150.000 con phải huỷ, trong khi cùng thời điểm năm ngoái, con số là 4 triệu.
Một số tỉnh như Tây Ninh thì đang đắn đo. Ông Dương Văn Hội, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nói: "Dù biết là mức hỗ trợ tiêu huỷ gia cầm của Chính phủ hơi thấp, nhưng ngân sách tỉnh có hạn. Trước mắt Tây Ninh áp dụng theo quy định của Chính phủ, sau này hết dịch, hộ nào khó khăn sẽ được hỗ trợ thêm".
Ở phía Bắc, tại một hội nghị tăng cường công tác phòng chống cúm gia cầm tổ chức mới đây ở Hà Tây, các tỉnh Thanh Hoá, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc đã nhất loạt đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị nâng mức hỗ trợ lên cao hơn so với quy định hiện hành. Lý do là các tỉnh đều nghèo, ngân sách có hạn.
Trong công điện hỏa tốc ngày 17/1 gửi các bộ, UBND các tỉnh thành, Thủ tướng Phan Văn Khải đã chỉ đạo: Kinh phí hỗ trợ phòng chống dịch và hỗ trợ người sản xuất có gia cầm bị tiêu huỷ trước mắt vẫn thực hiện theo quyết định số 396 ngày 20/4/2004 và chính sách cụ thể của từng địa phương.
Ông Bùi Quang Anh, Cục trưởng Thú y cho biết, hôm nay, tại hội nghị tăng cường phòng chống cúm gia cầm tổ chức tại Hà Nội, Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các tỉnh phía Bắc áp dụng các biện pháp bao vây, tiêu độc khử trùng ổ dịch và vùng bị uy hiếp theo quy định; nghiêm cấm vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm ra vào ổ dịch; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, giết mổ, chế biến gia cầm. Theo Cục Thú y, tới ngày 20/1, bản đồ dịch cúm vẫn khu trú ở 22 tỉnh thành, nhưng đã có thêm 25 điểm phát dịch ở 20 xã, 14 huyện của 3 tỉnh: Long An, Bạc Liêu, Hải Dương. Số gia cầm chết, tiêu huỷ là 12.800 gà, 7.640 vịt, ngan, ngỗng; 12.500 cút. Riêng tại Hải Dương, dịch lan rất nhanh. Hôm qua, 4 xã, thị trấn là Lai Cách (huyện Cẩm Giàng), Bình Minh (huyện Bình Giang), Cổ Dũng (huyện Kim Thanh), Ngọc Châu (thành phố Hải Dương) đã phát dịch. |
Như Trang