Chúng ta vẫn thấy mạng xã hội chia nhau bàn tán về chuyện này rất nhiều, xoay quanh việc ủng hộ hay không ủng hộ Bphone. Và quan trọng giá bán của nó đã hợp lý hay chưa?
Hôm nay, tôi sẽ cùng các bạn giải đáp những vấn đề này, để xem mọi người sẽ làm gì và đối xử thế nào với chiếc Bphone này.
Đầu tiên tôi sẽ không nói về vấn đề lỗi truyền thông của Bphone trong ngày ra mắt, hay là hình ảnh chụp... Những cái đó chúng ta tạm dẹp sang một bên. Yếu tố tôi đánh giá quan trọng nhất để các bạn rốt cục có mua nó hay không lại là về giá bán.
Tôi thấy rất nhiều bạn bình luận trên mạng rằng mình sẽ ủng hộ Bphone, sẽ mua một chiếc, sẽ giúp cho Bphone sẽ phát triển rực rỡ, người Việt dùng hàng Việt… Nhưng tiếc rằng, giá bán là cái rào cản cuối cùng khiến bạn có thực sự mua nó không. Nhiều bạn có thể không có tiền, vì vậy chỉ có thể ủng hộ bằng tinh thần, bằng bàn phím mà thôi.
Với một chiếc điện thoại, giá bán đi kèm với nhiều thứ. Đầu tiên là những cái mà người dùng có thể thấy được như cấu hình (như vi xử lý, màn hình chip, RAM, camera...). Thứ hai, người dùng gần như có thể đánh giá được là về giá trị thương hiệu. Thương hiệu càng lớn, càng nổi tiếng thì giá bán càng cao.
Tuy nhiên, trong giá bán còn bao gồm rất nhiều cái khác như chi phí nghiên cứu, chi phí giành cho công nhân viên, quảng cáo, bản quyền... Có quá nhiều khó khăn mà mỗi chiếc điện thoại di động phải gánh trên vai.
Tôi sẽ chỉ bàn về hai điều ta có thể đánh giá được là cấu hình và thương hiệu. Về cấu hình, ở phân khúc 11 triệu đồng, Bphone có cùng cấu hình tương đương Sony Xperia Z3, HTC One M8, OPPO Find 7, Samsung Galaxy S5. Những sản phẩm này nếu đứng cạnh nhau thì không chênh lệch nhiều. Bphone cũng cho thấy rằng so với những smartphone cao cấp kia, nó cũng mang trong mình một cấu hình tốt. Tuy nhiên vẫn có những trường hợp đặc biệt như Asus Padfone S, hay dòng Zendfone mới ra, cấu hình sản phẩm rất cao nhưng lại rẻ chỉ bằng một phần hai giá những flagship kia thôi. Đây là do chiến lược đặc biệt của các hãng Đài Loan.
Dù vậy, cấu hình chỉ là một phần, còn yếu tố thứ hai quan trọng không kém là thương hiệu. Nếu Bphone là một sản phẩm mới ra thị trường, hay là sản phẩm mới 100%, chẳng ai biết chất lượng của nó thế nào thì ngược lại, Xperia Z3, One M8, OPPO Find 7 đã ra cách đây một đến hai năm và đến từ những thương hiệu rất lớn trên toàn cầu. Ngay cả Find mới gia nhập thị trường nhưng cũng đã được báo chí châu Âu cũng như thị trường Việt Nam đón nhận và đánh giá cao.
Như vậy, kết hợp cả thương hiệu và cấu hình, Bphone chỉ được ở phần cấu hình còn thương hiệu gần như bằng không nhưng lại có mức giá tương đương. Thế nên, con số 11 triệu đồng cho Bphone là không hợp lý.
Bphone là sản phẩm mới được đưa ra thị trường, nếu chỉ tầm 8 triệu đồng sẽ hợp lý hơn. Bkav sẽ phải chấp nhận bán như vậy may ra mới chiếm được lòng người tiêu dùng. Hơn 10 triệu đồng là con số không hề nhỏ. Khi thương hiệu chưa có, các hãng không thể bán đắt ngay được. Hãy nhìn qua Asus hay Lenovo, họ sẵn sàng bán ra thị trường những sản phẩm rất rẻ nhưng có cấu hình tốt. Có như vậy họ mới tạo điều kiện cho người tiêu dùng cơ hội được trải nghiệm sản phẩm của mình. Khi mà càng nhiều người trải nghiệm, họ sẽ đánh giá được sản phẩm một cách tốt và khách quan hơn và thấy những điểm tốt ở sản phẩm. Từ đó, phiên bản tiếp theo có thể bán với mức giá cao hơn mà vẫn có rất nhiều người mua, thậm chí sẵn sàng chờ đợi.
Bphone vừa mới xuất hiện mà đã phát giá 11 triệu đồng khiến mọi người khó tiếp cận hơn, dễ bị "ném đá" hơn. Chính Nguyễn Tử Quảng, CEO Bkav, đã nói trong buổi ra mắt rằng: "Còn rất nhiều người nghèo, rất nhiều người thu nhập chưa cao". Vậy với mức giá như thế, tôi sẽ không chọn Bphone. Có rất nhiều người dùng là những người trẻ tuổi, thu nhập không cao và không dư dả, có bạn đi làm thêm chỉ 2-3 triệu đồng mỗi tháng, chi cả chục triệu để mua điện thoại di động là hơi khó. Còn một khi đã bỏ ra một số tiền lớn như vậy, họ phải cân nhắc rất nhiều và sẽ chọn những sản phẩm có tính an toàn cao hơn, có thương hiệu uy tín hơn.
Thương hiệu uy tín không phải là để cho oai, để khoe mẽ bạn bè để khẳng định được chất lượng sản phẩm tốt hay không tốt. Sản phẩm hỏng hóc, người dùng sẽ dễ dàng tìm được nơi bảo hành, sửa chữa và cộng đồng đông đảo sẵn sàng hỗ trợ. Chứ chi số tiền lớn mua sản phẩm mới tinh, rồi chẳng may ngày mai không được hỗ trợ thì thật là đau lòng.
Bạn có thể ủng hộ hay không ủng hộ tùy thuộc thu nhập của bạn. Nhưng với bản thân tôi, là một người Việt khi nhìn vào một sản phẩm của người Việt, dù thích hay không tôi cũng sẽ không ném đá. Tôi cho rằng phải có đơn vị đi đầu như Bkav thì chúng ra mới có một sản phẩm mang thương hiệu Việt chất lượng. Và như vậy trong tương lai mới có nhiều nhà sản xuất thương hiệu Việt dám đầu tư. Khi đó, chúng ta sẽ không phải tự ti vì những smartphone Việt khi cầm trên tay đã xứng tầm với những flagship khác.
Trần Việt Dũng
Chủ đề thảo luận "Hướng đi nào cho điện thoại thương hiệu Việt" sẽ mở từ ngày 22/8 tới hết ngày 22/9. Quà tặng cho bài viết được đọc nhiều nhất: một điện thoại HTC One Mini 2 và bài viết được like nhiều nhất: một sạc pin dự phòng của Moigus dung lượng 7.000 mAh. Bài viết gửi về phuongthuy@vnexpress.net. Xem chi tiết thể lệ tại đây. |