Thông tin vừa được PwC công bố sau khi khảo sát 4.446 CEO toàn cầu, trong đó có 1.618 người đến từ khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Theo ghi nhận chung, các CEO châu Á – Thái Bình Dương đang đối mặt với những sức ép từ đại dịch Covid-19 và những khó khăn chung trên thị trường như lạm phát gia tăng, gián đoạn chuỗi cung ứng và cuộc "đại khủng hoảng lao động". Dù vậy, họ vẫn thể hiện mức độ lạc quan cao nhất trong 10 năm về triển vọng tăng trưởng kinh tế trong 2022. Theo đó, 76% kỳ vọng nền kinh tế toàn cầu sẽ được cải thiện, trong khi chỉ 17% cho rằng tình hình sẽ tiếp tục xấu đi.
Mức độ lạc quan này tăng nhẹ so với năm ngoái (ở mức 73%) và đã tăng đáng kể so với năm 2020.
Sự lạc quan đang có xu hướng tăng cao ở hầu hết quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong đó, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia và Singapore là các nước có mức lạc quan cao nhất, với khoảng 90% CEO kỳ vọng tăng trưởng toàn cầu trong năm tiếp theo.
Niềm tin vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã nâng cao mức độ lạc quan của các CEO khu vực này dành cho doanh nghiệp của họ. Theo đó, 50% CEO "rất tự tin" hoặc "cực kỳ tự tin" vào triển vọng tăng trưởng doanh thu trong 12 tháng tới.
Ông Nguyễn Lương Hiền, Phó tổng giám đốc PwC Việt Nam cho biết, hiện tượng này cho thấy sức mạnh và khả năng phục hồi của nền kinh tế toàn cầu, cũng như khả năng kiểm soát của các CEO trước tình hình bất ổn.
Tại Việt Nam, PwC đánh giá, chính sách "Chung sống an toàn với Covid-19" đã tạo ra chiến dịch tiêm chủng thần tốc, cho phép đất nước tiếp tục hoạt động kinh doanh trở lại vào cuối năm 2021. Mức tăng trưởng GDP của Việt Nam được kỳ vọng sẽ trở lại 6-6,5%, một phần là do sự trở lại mạnh mẽ của dòng vốn FDI. Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có hiệu lực từ đầu 2022 cũng thúc đẩy hơn nữa hoạt động xúc tiến thương mại, tạo đà cho sự phục hồi kinh tế sau đại dịch thông qua việc hình thành một thị trường xuất khẩu ổn định và lâu dài cho Việt Nam và các nước Đông Nam Á."
Bên cạnh đó, báo cáo cũng chỉ ra, dù lạc quan, các CEO cũng nhận thức rõ được các mối đe dọa tiềm ẩn có thể gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp trong năm nay.
CEO ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương cho rằng rủi ro y tế, sức khỏe là mối quan tâm hàng đầu, cao hơn 10% so với các CEO toàn cầu. Đồng thời, họ cũng để ý đến rủi ro an ninh mạng (44%) và biến động kinh tế vĩ mô (43%).
Ở Việt Nam, các rủi ro về y tế, sức khỏe cũng là một vấn đề đáng lo ngại với các CEO. Sự xuất hiện của biến thể Omicron được cho là có khả năng lây nhiễm nhanh chóng đã khiến cộng đồng doanh nghiệp thêm lo lắng về đại dịch. Bên cạnh đó, rủi ro an ninh mạng, đặc biệt là rủi ro từ bên thứ ba thường khó nhận ra bởi sự phức tạp của các mối quan hệ kinh doanh giữa các công ty và mạng lưới các nhà cung cấp, đang đặt ra các mối đe dọa cho nhiều doanh nghiệp và tổ chức.
Đức Minh