Thế giới vừa chứng kiến hai thảm kịch hàng không xảy ra liên tiếp trong vòng một tuần. Hôm 25/12, máy bay Embraer 190 của Azerbaijan Airlines (AZAL) chở 67 người bị hỏa lực Nga bắn nhầm khi chuẩn bị hạ cánh gần thành phố Grozny, thủ phủ Cộng hòa Chechnya.
Phi cơ bị hư hại nặng và đã chuyển hướng tới thành phố Aktau, trung tâm dầu mỏ và khí đốt của Kazakhstan, để hạ cánh khẩn cấp. Tuy nhiên, máy bay đã không thể đáp xuống đường băng, rơi xuống đất vỡ nát, khiến 38 người thiệt mạng.
4 ngày sau, máy bay Boeing 737-800 của hãng hàng không Jeju Air gặp sự cố càng đáp khi hạ cánh xuống sân bay Muan, Hàn Quốc, đâm vào bức tường cuối đường băng và khiến 179 người chết.
Nguyên nhân tai nạn đang được điều tra, nhưng giới chức Bộ Giao thông Hàn Quốc cho hay tháp không lưu đã cảnh báo nguy cơ máy bay va phải đàn chim khoảng 6 phút trước khi phi công thông báo tình trạng khẩn cấp và tìm cách hạ cánh.
Hôm 28/12, một máy bay DHC-8 thuộc biên chế Air Canada chở khoảng 80 người cũng gặp trục trặc càng đáp khi hạ cánh ở sân bay quốc tế Halifax Stanfield, miền đông Canada, khiến nó trượt trên đường băng và bốc cháy. Rất may là lực lượng ứng phó khẩn cấp đã nhanh chóng sơ tán toàn bộ hành khách và tổ bay ra ngoài sau khi chiếc DHC-8 dừng lại.
Ngày 30/12, máy bay Boeing 737-800 của Jeju Air bị lỗi càng đáp và phải hạ cánh khẩn xuống sân bay Gimpo ở thủ đô Seoul của Hàn Quốc. Các sự cố liên tiếp đã khiến nhiều người đặt câu hỏi về tính an toàn của việc đi lại bằng đường hàng không, trong khi giới chức Hàn Quốc yêu cầu kiểm tra khẩn cấp toàn bộ đội bay Boeing 737-800 của nước này.
Dù vậy, Henry Harteveldt, chủ tịch Nhóm Nghiên cứu Khí quyển ở San Francisco, một trong những chuyên gia phân tích hàng không hàng đầu của Mỹ, cho hay theo dữ liệu thống kê, hàng không thương mại vẫn là hình thức di chuyển an toàn nhất trên thế giới hiện nay.
Theo Hội đồng An toàn Quốc gia Mỹ (NSC), khả năng tử vong của hành khách đi lại bằng hàng không ở Mỹ quá nhỏ, không đáng tính toán. Tỷ lệ tử vong do tai nạn xe cơ giới ở Mỹ là 1/93 và tính riêng năm 2022, Mỹ ghi nhận 46.027 trường hợp tử vong do tai nạn đường bộ.
Trong khi đó, Hệ thống Không phận Quốc gia Mỹ đã giúp 2,9 triệu hành khách đi đến nơi, về đến chốn bằng đường hàng không ở nước này mỗi ngày.
Harteveldt cho hay các thảm kịch khiến nhiều người chết như vụ tai nạn máy bay Jeju Air "rất hiếm khi xảy ra". "Hiện có khoảng 4.400 chiếc Boeing 737-800 đang hoạt động và vận hành rất an toàn từ ngày này qua ngày khác trên toàn cầu. Bất kỳ vấn đề nào liên quan tới an toàn đều được ngành hàng không toàn cầu hợp tác chặt chẽ để giải quyết", chuyên gia này nói.
Ông lưu ý các hãng hàng không có thể cạnh tranh trong kinh doanh, nhưng tất cả hãng bay cùng các nhà sản xuất như Boeing và Airbus đều chia sẻ thông tin hữu ích nhất về quy trình bảo dưỡng, quy trình bay để đảm bảo an toàn.
Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ đang chỉ đạo nhóm chuyên gia, trong đó có chuyên viên của Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) và Boeing, tới Hàn Quốc hỗ trợ cuộc điều tra vụ tai nạn máy bay Jeju Air.
Theo Harteveldt, máy bay vẫn có khả năng hạ cánh an toàn nếu va phải chim và sự cố này thường xảy ra khi chim bị hút vào một trong hai động cơ của máy bay. Khi đó, máy bay vẫn có thể tiếp tục cơ động và hạ cánh an toàn với động cơ còn lại.
"Tuy nhiên, nếu máy bay mất cùng lúc cả hai động cơ do hút phải chim, phi công phải đưa ra quyết định khẩn cấp và rất khó xử lý vẹn toàn", ông nói, nhắc đến trường hợp cơ trưởng Chesley "Sully" Sullenberger đã tìm cách hạ cánh an toàn xuống sông Hudson ở New York khi cả hai động cơ máy bay hãng U.S Airways va phải chim năm 2009.
Hồng Hạnh (Theo USA Today, AP, Yonhap)