Một trong những điều đặc biệt, nổi tiếng và đem lại tiếng vang cho Thái Lan chính là Muay Thái - môn võ cổ truyền đình đám xứ chùa vàng.
Võ sĩ được các vị sư dạy dỗ, ban cho danh xưng riêng và gia nhập võ đường. Trước giờ giao đấu, họ cúi người cung kính, quay về hướng nơi mình chào đời (gọi là Ram Muay), sau đó xoay theo bốn hướng để tỏ lòng tôn kính các bậc thầy huấn luyện cùng thần linh võ đài (gọi là Wai Kru).
Trong tiếng kèn và trống của người Thái Lan, các võ sĩ nhảy múa một cách chậm rãi quanh võ đài với những động tác riêng. Thông thường, mỗi người khi lên đài thi đấu đều quấn một sợi dây thừng nhỏ quanh đầu.
Theo quan niệm truyền thống, sợi thừng này do các vị sư dạy võ đảm trách, đồng thời là người ban phúc lành cho các võ sĩ trước lúc lâm trận. Ngoài ra, một tượng Phật nhỏ sẽ dính vào tay họ để làm vật hộ mệnh với mong muốn nhờ các thần thánh thiêng liêng che chở.
Khi giao đấu, mọi bộ phận trên cơ thể sẽ được sử dụng trong các miếng võ như lấy đầu gối tấn công đối phương hay dùng chân nhảy, đá song phi. Khuỷu tay cũng được xem là đòn ấn tượng để hạ gục đối thủ. Những cú đánh trong bộ môn này có thể dẫn đến chấn thương nặng, đặc biệt nhất là các đòn nhắm vào vùng cổ.
Theo một số tài liệu ghi nhận, vào năm 1700, bộ môn này đã phổ biến và là hình thức chiến đấu cổ xưa của một bộ phận dân tộc đúc kết qua các cuộc chiến. Đến nay, hầu như chưa có minh chứng nào khẳng định được nguồn gốc thực sự của Muay và tranh cãi vẫn đang nằm trên 4 quốc gia gồm Thái Lan, Myanmar, Campuchia và Lào.
Còn trong cuốn The Art of Fighting - một tài liệu do ba võ sư Thái Lan viết lại - kể chi tiết về quá trình hình thành và lịch sử hoạt động bộ môn này. Theo đó, Muay Thái bắt đầu xuất hiện vào khoảng thời gian từ năm 1781, dưới thời Sukhothai.
Đế chế này lúc bấy giờ đã thường xuyên phải chống chọi các cuộc tấn công của những dân tộc láng giềng. Như một lẽ tất yếu, người Thái Lan khi đó phải rèn luyện các kỹ năng chiến đấu.
Ngoài binh khí chủ yếu gồm kiếm, giáo, cơ thể con người cũng được xem như công cụ trong một số tình huống cận chiến. Đây cũng là cơ sở để phát triển các kỹ thuật đấm, đá, sử dụng đầu gối, cùi chỏ của Muay Thái sau này.
Dưới thời bình, các thanh thiếu niên Thái Lan đã luôn tập luyện Muay và coi đó như một cách rèn luyện nhân cách, song song với sự tự vệ đơn thuần. Bộ môn này còn được đưa vào giảng dạy trong cả Hoàng gia Thái Lan lúc bấy giờ và xem như một nghệ thuật đỉnh cao.
Trải qua hàng nghìn năm tồn tại với một số thời kỳ như Ayutthaya, triều đại vua Naresuan, Prachao Sua, Nai Khanomtom, Thonburi, Ratanakosin, các thời vua Rama…, Muay Thái trở thành loại hình nghệ thuật mang tầm cỡ quốc gia. Vào đầu thế kỷ 20, môn võ này thường được công diễn phục vụ trong các lễ hội hay đền đài tráng lệ.
Dù có bề dày lịch sử với nhiều danh hiệu văn hóa được ghi nhận, Muay Thái vẫn vấp phải không ít ý kiến trái chiều do mức độ sát thương cao và thường bị mô tả là "đẫm máu". Bất chấp vấn đề này, nhiều gia đình nghèo khó vùng nông thôn Thái Lan vẫn hướng con em theo đuổi nghề võ sĩ thi đấu Muay với mong ước đổi đời.
Tại Việt Nam, Muay Thái được cho là du nhập vào từ đầu những năm 1950. 47 năm sau, vận động viên Việt Nam được cử đi dự thi môn này tại Sea Games 19 và một số giải quốc tế khác. Từng có thời điểm Muay Thái bị loại khỏi các trận tranh tài trong khu vực nhưng đã được khôi phục khi tháng 10/2004, khi Liên đoàn thể thao Đông Nam Á chấp nhận bổ sung môn này vào Sea Games 23.
Thông tin thêm Trong khuôn khổ chương trình Ngày Thái Lan (Thailand Day), bạn sẽ có cơ hội được thưởng thức màn biểu diễn Muay Thái do các vận động viên Thái Lan thực hiện vào lúc 15h ngày 6/12 tại khu sân khấu gạch, Công viên Thống Nhất, Hà Nội. Song song với đó, người tham gia còn có thể tìm hiểu văn hóa, ẩm thực xứ chùa vàng, thử sức các trò chơi với giải thưởng là xe máy, voucher vé máy bay của Thai Airway, đồ gia dụng… Đây là hoạt động thường niên do Đại sứ quán Thái Lan tại Việt Nam phối hợp thực hiện cùng Cơ quan Phát triển Du lịch Thái Lan, Hãng hàng không Thái Lan và Quỹ Thái Lan tổ chức. |
Trần Hằng