Ở xứ biển Phan Thiết có những đồi cát hoang vu, nơi đây mọc nhiều xương rồng dạng tai thỏ, còn gọi là cây lưỡi long. Hè đến, khi mưa đổ xuống thấm sâu vào lòng đất, các loài thực vật nảy chồi. Những chòm cây lưỡi long cũng dần bung nụ, nở hoa khoe sắc.
Thời điểm này, đi dọc đường biển kề bãi sau Mũi Né, du khách có thể dừng chân ngắm cảnh, chụp ảnh, chiêm ngưỡng nét đẹp hoang dã của loài hoa xương rồng. Thân xương rồng gai mọc đầy, khiến ai cũng e dè, nhưng khi những bông hoa nở thì tuyệt đẹp. Kề những chiếc gai nhọn tua tủa là nụ hoa chớm nở có hình chuông màu vàng cam, nhiều nhuỵ, ngát thơm... như là sự kết tinh của nắng và mưa.
Người dân Bình Thuận thường xem loài xương rồng là biểu tượng của sự kiên nhẫn, sức sống mãnh liệt trên vùng đất khô cằn. Trải qua sự khốc liệt của thời tiết mùa nắng hạn, mùa mưa đến, xương rồng nở rộ những cánh hoa thuần khiết, khiến ai bắt gặp cũng nao lòng.
"Sau khi hoa nở, xương rồng kết trái có màu xanh lục. Lúc chín, trái lưỡi long sẽ chuyển sang màu đỏ thẩm có thể ăn được", bà Nguyễn Thị Bảy, người dân địa phương, cho biết.
Cây xương rồng là hình ảnh thân thuộc gắn liền với nhiều thế hệ, từ ngõ xóm đến các nương rẫy đều trồng. Anh Phùng Minh Tuyền, nhà ở cạnh dòng suối Tiên cho hay, trên các triền đồi, hiện lưỡi long mọc hoang rất nhiều. Ngày trước người dân trong vùng thường trồng, dùng để làm đường ranh phân định sở hữu đất đai.
"Vì lưỡi long nhanh lớn và có nhiều gai nhọn, nên trồng làm hàng rào rất tiện lợi, không tốn nhiều chi phí làm hàng rào", anh Tuyền nói và cho biết, hình ảnh cây xương rồng gắn liền với ký ức tuổi thơ của người dân miền nắng gió.
Xương rồng có tên khoa học là Cactaceae, trên thế giới có hơn 1.500 loài, cây thường có gai và thân mọng chứa nước dự trữ, giúp chịu được thời tiết khô hạn.
Loài xương rồng "lưỡi long" phổ biến ở Phan Thiết có bản lá hình bầu dục và dẹt, thắt lại từng đoạn một. Trên mặt lá có gai, có lớp da sáp, bóng. Theo người dân địa phương, bản lá lưỡi long non có thể ăn sống hoặc nấu canh sau khi nhặt hết gai nhọn.
Việt Quốc