Năm 1962, sách Mùa xuân vắng lặng của Rachel Louise Carson ra mắt. Với những bằng chứng khoa học về tác hại của thuốc trừ sâu đến với môi trường và sức khỏe con người, cuốn sách ngay lập tức trở thành đề tài thảo luận của giới khoa học, chính trị và kinh tế.
Một cuộc đấu tranh ngấm ngầm lẫn công khai diễn ra, với một bên là các nhà khoa học bảo vệ môi trường, một bên là các công ty hóa chất cảm thấy bị đe dọa. Cuối cùng, tất cả góp phần khiến cuốn sách được chú ý hơn và là xuất phát điểm cho phong trào bảo vệ môi trường trên toàn cầu. Mùa xuân vắng lặng tạo ra một ảnh hưởng sâu rộng tại Mỹ và làm thay đổi chính sách quốc gia này về thuốc trừ sâu.
Rachel Carson (1907-1964) là một nhà động vật học và sinh vật học biển người Mỹ. Bà cũng là một nhà văn chuyên viết về thiên nhiên, được truy tặng Huân chương Tự do của tổng thống Mỹ Jimmy Carter cho những cống hiến của bà với hoạt động bảo vệ môi trường.
Mùa xuân vắng lặng (Silent Spring) là tác phẩm có sức ảnh hưởng lớn nhất của bà. Tên sách chính là lời nhắn nhủ của Carson về hiện trạng những sinh vật vô tội đang dần biến mất vì thuốc trừ sâu bọ và một tương lai ảm đạm chờ đợi thế giới tự nhiên nếu con người không thay đổi hành vi.
Chủ đề bao trùm cuốn sách là mối quan ngại to lớn của Carson khi chính phủ Mỹ cho phép việc sử dụng tràn lan những hóa chất độc hại trước khi hiểu rõ hệ quả lâu dài của chúng đối với môi trường và sự sống. Carson đã điều tra hàng trăm sự cố về việc phơi nhiễm thuốc trừ sâu mà hậu quả là những căn bệnh của con người và thiệt hại về môi trường. Từ đó, bà bày tỏ quan điểm cần có những cơ quan kiểm soát chặt chẽ các hóa chất độc hại và tìm phương pháp thay thế.
''Thật trớ trêu khi nghĩ rằng con người có thể quyết định được tương lai của chính mình nhờ vào một chuyện rất đỗi vặt vãnh như lựa chọn thuốc trừ sâu. Làm sao mà giống loài thông minh lại muốn kiểm soát một vài loài không mong muốn bằng một phương pháp gây ô nhiễm toàn bộ môi trường để rồi mang những nỗi lo về bệnh tật và chết chóc đến cho chính loài của mình'', Carson viết.
Bà cũng nhấn mạnh cuốn sách không nhằm kêu gọi việc loại bỏ toàn bộ thuốc diệt sâu bọ, mà biện pháp được áp dụng phải là những biện pháp không kéo con người chết chung với côn trùng.
Carson lý luận rằng cơ thể con người không là bất khả xâm phạm, do đó có thể bị thấm nhiễm những hóa chất độc hại từ môi trường. Mức độ hấp thụ chất độc là không thể kiểm soát, và các nhà khoa học không thể dự đoán chính xác những ảnh hưởng lâu dài của quá trình tích tụ hóa chất trong tế bào, hoặc tác hại của hỗn hợp hóa chất này lên sức khỏe con người.
Bà phản bác lập thuyết của phe công nghiệp hóa chất rằng cơ thể con người luôn có một ngưỡng cho những chất độc này, và cơ thể người luôn tồn tại khả năng thích ứng để vô hiệu hóa các độc chất hóa học. Đây cũng là phần gây tranh cãi nhất khi cuốn sách đưa ra lập luận và bằng chứng cho rằng một số bệnh ung thư khởi nguồn từ việc cơ thể người tiếp xúc với chất diệt sinh vật gây hại.
Hơn 60 năm trôi qua, ngày nay con người đã có câu trả lời chứng minh lo ngại của Carson là chính đáng. Song việc kiểm soát các hóa chất độc hại vẫn còn là một quá trình lâu dài. Mà trong đó, nhận thức của con người về sự cân bằng chính là mấu chốt. Carson thẳng thắn chỉ trích tính thiển cận của con người bởi họ thường vội vã nhân rộng loại sinh vật có giá trị cho bản thân và khai tử bất cứ loài nào có vẻ gây hại và vô dụng.
Là một tác phẩm khoa học, Mùa xuân vắng lặng đưa độc giả đến với những hiểu biết cơ bản về thế giới tự nhiên, từ đất, nước, không khí cho đến các sinh vật bao gồm con người. Carson tin rằng sức khỏe cơ thể người sẽ phóng chiếu sức khỏe của môi trường chung quanh. Khi mà hóa chất đang tích tụ trong cơ thể của con người từ khi mới sinh ra, tỷ lệ mắc bệnh ung thư tăng nhanh và ngày càng trẻ hóa, đã đến lúc con người cần nhìn lại cách đối xử của mình với tự nhiên.
Mùa xuân vắng lặng không chỉ khởi xướng nên phong trào môi trường mạnh mẽ, mà còn là tiền đề cho việc ra đời nhiều bộ luật và cơ quan kiểm soát chặt chẽ sau này. Ngoài lệnh cấm bán thuốc trừ sâu tổng hợp DDT trên toàn nước Mỹ vài năm sau đó, cuốn sách của Carson còn được cho là khởi nguồn của nhiều đạo luật và đặc biệt là Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ.
Cựu Thượng nghị sĩ Mỹ Ernest Gruening gọi đây là một cuốn sách "thay đổi dòng chảy của lịch sử". ''Là viên gạch đặt nền của chủ nghĩa bảo vệ môi trường rất khôn khéo, dũng cảm và cô đọng'', nhà văn, nhà tự nhiên học Peter Matthiessen nhận xét.
Ngạn Bình