Mười tám tuổi, tôi đã rời quê hương miền núi, rong ruổi trên khắp các nẻo đường, bôn ba phiêu dạt ba miền dọc ngang đất nước vì cuộc sống mưu sinh. Cuối cùng tôi lại chọn cho mình một bến đỗ bình yên ở thành phố nhỏ này.

Tôi và con gái.
Những ngày giáp Tết, thành phố bừng lên sắc xuân rực rỡ. Trên khắp các nẻo đường từng chuyến xe chở muôn sắc hoa xuân về thành phố. Nào hoa mai, hoa cúc, hoa thược dược… Chạnh lòng nhớ những cái tết tuổi thơ, được thả hồn trên bạt ngàn đồi núi, trên những đám mạ xanh rì và những đồi lau trắng mút, khắp các lối đi những cây cỏ dại cũng nở hoa, bước chân ra là nhụy hoa bấu đầy vào gấu quần, nghe thoang thoảng mùi hương hoa dại.
Hôm qua, mọi người trong cơ quan đã rôm rả bàn tán tính chuyện năm này sẽ ăn tết ở đâu. Câu hỏi của chị trưởng phòng đã xoáy vào tim tôi: “Tết này em ăn Tết ở phố hay ở quê”. Chợt giật mình. Ngẫm lại tôi thấy mình vô tâm quá. Đã bảy năm nay theo chồng về phố, chưa năm nào ăn Tết ở quê. Tôi tấy lòng mình chộn rộn, bâng khuâng nhớ về những ngày xưa…
Ngày xưa ấy, mùng chín Tết năm 1985, mẹ tôi mất. Mùa xuân thứ hai của tôi thì mẹ đã không còn. Và từ dạo ấy, đôi bàn tay bố đã thay mẹ chăm sóc cho tôi nhiều hơn. Có những buổi chiều mưa, đón tôi từ tay hàng xóm, hai bố con về nhà với bếp lửa tối om, nhà cửa vắng ngắt, ngôi nhà quạnh quẽ đến âm u. Thế nhưng bố vẫn cười vui và dạy cho tôi những bài học ấm áp về tình yêu thương. Bố bảo nơi nào có tình yêu nơi đó có hạnh phúc. Bố yêu tôi bằng tứ tình yêu không thể chứng minh và bố bảo rằng tôi sẽ sống hạnh phúc với tình yêu mà bố dành cho tôi. Thật vậy, tôi chẳng bao giờ thấy mình bất hạnh hay lẻ loi khi ở trong vòng tay yêu thương của bố.

Ao cá của bố.
Những năm sau, cuộc sống của bố con tôi dẫu khốn khó nhưng năm nào bố cũng cho tôi có được một cái Tết ấm áp, đủ đầy. Từ những ngày đầu tháng chạp, bố đã dắt tôi đi chợ để sắm Tết cho tôi. Bố tự tay chọn cho tôi bộ quần áo đẹp, tự tay mua cho tôi chiếc kẹp tóc nhỏ xinh. Chiếc mũ, đôi giầy bố mua cho tôi bằng cả tình yêu vô bờ của bố và như thể bù đắp những khoảng trống vắng trong lòng một đứa trẻ thiếu mẹ như tôi.
Từ nữa tháng chạp, những đám ruộng của bố đã xanh rì màu mạ non. Cá dưới ao cũng đang lớn. Từng luống cải bố gieo đã xanh mơn mởn đón nắng ở góc vườn. Nhà cửa sân vườn bố đã dọn dẹp sạch sẽ. Xong đâu vào đấy bố bắt đầu chặt tre để đan những cái giỏ nhỏ làm bánh tổ. Bố bảo “quê mình Tết mà không có bánh tổ là không thấy Tết đâu con”. Lớn lên một chút tôi mới biết bố vất vả làm mọi thứ để mong tôi có một cái tết ấm áp đủ đầy và cũng như thể để bố không thấy lòng mình trống trãi khi làm thân gà trống nuôi con.
Những chiếc giỏ tre bố đan đã được xếp ngay ngắn nơi góc bếp, thì bố dắt tôi đi cắt lá về làm bánh. Tôi đi theo bố tíu tít đủ thứ chuyện ở trường ở lớp… Còn bố vẫn cần mẫn cắt những tàu lá chuối to xanh non, tôi cẩn thận gom lại để bố mang về.

Vườn chuối của bố.
Bố vừa làm bánh vừa hướng dẫn cho tôi cách chọn lá, pha bột. Bố luôn giành cho tôi một công việc đơn giản là lau những tấm lá chuối cho thật sạch và cho vào những chiếc giỏ tre bố đã đan sẵn. Khi bánh tổ đã lên bếp thì bố bắt đầu giao cho tôi một công việc khác là canh giờ. Canh đủ 3 tiếng đồng hồ là bánh chín. Lúc ngồi canh bánh, bố thường trãi tấm chiếu cạnh bếp để tôi ngồi chơi, bố ôm tôi vào lòng và kể cho tôi nghe những câu chuyện cổ tích, những câu chuyện bố kể lúc nào cũng có bóng dáng của người mẹ hiền tần tảo. Rồi bố kể về mẹ, ánh mắt bố ánh lên niềm vui, niềm hạnh phúc rồi cũng ánh mắt ấy lại chùng xuống, ươn ướt. Bố bảo “mấy cây củi hôm nay bị mưa tạt ướt hết hay sao mà khói quá”.
Những chiếc bánh được vớt ra khỏi nồi, nóng hổi thơm nức mùi gừng được sắp đầy trên mâm, thì cũng là lúc mùa xuân đã gõ cửa. Tết về, bố dắt tôi đi thăm bà con, tôi thích cái cảm giác được cô bác họ hàng xoa đầu khen: “Bé Huệ nhanh lớn quá hen, càng lớn lại càng xinh”. Chỉ nghe mỗi câu nói ấy thôi nhưng trong lòng tôi lâng lâng niềm vui khó tả.
Tôi theo chồng về phố đã bảy năm nay, bảy năm lu bu bận rộn với công việc, với gia đình nhỏ của tôi, quên mất rằng bố đang ở quê cũng trông con gái về nhà. Nhớ lại lời chị trưởng phòng hôm qua, “có một nơi để về, để đoàn viên đó là điều hạnh phúc nhất”. Bỗng dưng trong lòng thấy bâng khuâng chộn rộn, nhớ quá những cái Tết ngày xưa, thèm được ở mãi trong vòng tay yêu thương của bố. Nhất định Tết này sẽ sắp xếp để vợ chồng và các con cùng về quê ăn Tết với bố, để dắt các con đi chợ quê, sắm cho chúng những bộ quần áo mới như bố đã sắm cho tôi ngày xưa. Tôi muốn cùng bố ôn lại những tháng ngày khổ cực nuôi tôi khôn lớn, cùng bố đi cắt từng tấm lá chuối về đỗ bánh tổ; được ngồi hít hà mùi bánh nóng hổi thơm nức mùi gừng và để được nghe bố chúc phúc “Thật con gái bố đã lớn rồi, thấy vợ chồng con cái bây mạnh khỏe hạnh phúc, tao mừng”.
Đoàn Thị Hương Huệ
Cuộc thi viết "Tết đoàn viên" do nhãn hàng dầu ăn Neptune phối hợp cùng VnExpress tổ chức (từ 12/1 đến 15/2) là nơi để độc giả chia sẻ, gửi gắm tâm tư, nỗi niềm của mình khi phải xa nhà vào dịp Tết, qua đó nhấn mạnh giá trị truyền thống của gia đình Việt cùng thông điệp "Về nhà đón Tết, gia đình trên hết". Bài dự thi được thể hiện dưới dạng text tối đa 1.000 từ, bằng tiếng Việt, có dấu, font Unicode, kèm theo 3 hình ảnh minh họa hoặc video có thời lượng không quá 3 phút, định dạng flv hoặc mp4, kèm theo tiêu đề phản ánh nội dung câu chuyện. Người dự thi tải video lên Youtube rồi gửi đường link cho VnExpress. Xem thể lệ cuộc thi chi tiết tại đây. Gửi bài dự thi tại đây. |