Tết đã đến thật gần, khi vợ không còn phải tất bật với những bài báo xuân, không còn để 2 đứa nhỏ ở nhà với bà nội, bà ngoại mà “chạy show” viết bài đến 9, 10 giờ tối. Rủng rỉnh mớ tiền thưởng, nhuận bút Tết, vợ đi gom cho 2 thằng con vài cái áo mới, vài lon sữa, ít bịch tã. Tết thế là cũng “xum xuê” rồi chồng ạ!
Mọi năm, thấy bạn bè mình tất tả kiếm vé tàu xe, chộn rộn mua sắm quà bánh, hăm hở về quê đón Tết, vợ tự nhủ: “Mình ở Sài Gòn, không có quê để về mỗi dịp cuối năm, Tết có vẻ kém rộn ràng và ít màu sắc hơn họ nhỉ!”
![1618409-10152159710548704-1167643215-n-1](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2015/02/14/1618409-10152159710548704-1167-6710-5247-1423876541.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=RJRbnrMuniVWsgsrOAIkPA)
Nhưng năm nay, vợ nghĩ khác rồi. Tết không phải là những nhành hoa rực rỡ, những chậu quất vàng ươm lộc mới, Tết không phải là bánh tét bánh chưng, mâm ngũ quả hay những phong bao lì xì đỏ chót may mắn trao gửi đầu năm. Mà Tết, chính là những khoảnh khắc gia đình đoàn tụ, sẻ chia hạnh phúc. Chính vì thế nên hôm nay, dù đã 25, 26 tháng Chạp rồi mà vợ vẫn thấy mùa xuân của nhà mình vẫn còn ở đâu xa lắm, dường như ở lưng chừng trời... Mùa Tết này là mùa thứ 2 chồng đón năm mới ở cách xa nhà mình nửa vòng trái đất.
Năm ngoái, cũng tầm 25, 26 âm lịch, vợ chồng mình hối hả đi mua sắm, mà không phải sắm Tết, chỉ là chuẩn bị hành trang cho chồng lên đường đi học xa. Xe chở đồ lỉnh kỉnh nào nước mắm, cá khô, mì gói, cháo ăn liền... những món để chồng có thể ăn tiết kiệm trong những ngày đầu tiên xa nhà sống ở xứ sở đắt đỏ. Mấy ngày Tết, nhà mình chỉ lụi cụi đóng gói hành lí, bỏ thứ này ra, cho thứ kia vô, cân vali, sắp xếp đồ đạc... Lần đầu tiên chồng đi xa nhà, mà lại đi những 2 năm trời chứ ít đâu.
Dù cả hai đứa đều nói với nhau “Sẽ ổn thôi, không sao đâu”, nhưng vợ biết những suy nghĩ trong đầu tụi mình không nhẹ tênh như lời nói. Chồng hẳn là lo lắm khi những ngày chồng đi xa chỉ có vợ 1 mình ở nhà với Đậu Đỏ 16 tháng tuổi và Đậu Bắp thì 2 tháng nữa sẽ chào đời. Vợ cũng không biết những ngày tháng tới của chồng có thuận lợi không khi chồng gánh trên vai bao nhiêu áp lực, ước mơ của cả gia đình mình. Lựa chọn con đường trở thành phi công, chồng và cả nhà mình đã phải “đấu tranh” nhiều lắm.
Chinh phục bầu trời là hoài bão của chồng, và nếu làm được điều đó, chồng cũng đã thực hiện được mơ ước của bố mẹ, của gia đình. Để đi theo con đường này, chồng đã mất 3, 4 năm rồi và sẽ phải hoàn thành thêm 2 năm học nước ngoài nữa để có thể ngồi vào buồng lái, cất cánh lên bầu trời cao. Nhớ ngày đầu tiên chồng thông báo với nhà mình về cơ hội được trở thành phi công cho hãng hàng không quốc gia, đã có nhiều ý kiến trái chiều. Có người thì ủng hộ cho chồng thử sức, có người hoài nghi: “Có dễ dàng không khi bỗng nhiên rẽ sang một hướng khác, bỏ công việc hiện tại để theo đuổi giấc mơ bay”. Mẹ thì ủng hộ, vợ cũng nhìn thấy tất cả sự quyết tâm trong mắt chồng. Và chúng ta đã chọn ngã rẽ đó.
![1653529-10152152128058704-1898322282-n-1](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2015/02/14/1653529-10152152128058704-1898-9021-9156-1423876542.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=XRhHlRrgeyJqEosOwC81Vg)
Ngày đầu tiên chồng đi Nha Trang học lớp phi công dự khóa, cũng cách ngày đám cưới của tụi mình 2 tuần. Ngày cưới, chồng xin về phép được 3 ngày, rồi lại quay về đơn vị, học tập tiếp. Cứ tưởng việc học sẽ suôn sẻ và đúng tiến độ, nhưng vì một số yếu tố khách quan, chồng với các bạn đã phải kéo dài việc học và thời gian chờ đợi đến 3 năm. Có người không đủ kiên nhẫn, đã rẽ sang hướng khác. Nhưng nhà mình vẫn quyết đi theo đến cùng, vì đó là niềm đam mê, là ước mơ của chồng, là cơ hội để gia đình mình có 1 tương lai tốt đẹp hơn.
Mặc dù biết để có được tương lai tốt hơn đó, mình phải đánh đổi nhiều thứ: là thời gian vợ chồng mình không ở cạnh nhau, chồng xa cách 2 đứa con nhỏ xíu trong khoảng thời gian chúng rất cần có ba bên cạnh chăm bẵm... Thế nhưng vợ chồng mình vẫn chọn con đường khó, vì một điều xa hơn chúng ta đều muốn Đậu Đỏ, Đậu Bắp sau này sẽ tự tin theo đuổi ước mơ của mình, luôn phấn đấu và không chùn bước trước những trở ngại tạm thời. Nếu dạy con rằng: “Con hãy cố gắng thực hiện hoài bão của mình đi”, chi bằng hãy cho chúng thấy ba mẹ chúng đã nỗ lực thế nào để chạm tới bầu trời, chạm tới ước mơ.
Dù quyết tâm là thế, dù đã suy nghĩ cặn kẽ về con đường mình sẽ đi, nhưng đứng trước ngã rẽ, tụi mình cũng không tránh khỏi cảm giác chòng chành như con thuyền đối diện với sóng lớn. Những ngày Tết năm ngoái, vợ thấy mình thật mâu thuẫn. Vợ nửa muốn thời gian dừng lại để những ngày vợ ở bên chồng, con ở bên cạnh ba được lâu hơn; nửa lại muốn ngày tháng qua nhanh trong tích tắc để 2 năm học tập của chồng ở nước ngoài chóng hoàn thành.
Nhớ ngày 27 Tết, vợ chồng mình chở Đậu Đỏ đi đường hoa Nguyễn Huệ, chụp ảnh lưu niệm. Chở con ngồi đằng trước, chồng thủ thỉ: “Con nói đi: Ba yêu Đậu Đỏ, ba lúc nào cũng nhớ Đậu Đỏ lắm”. Thằng bé đang học nói, cũng bí ba bí bô: “Ba nhớ Đậu Đỏ dắm”, nhưng nó không thể hiểu được thế nào là yêu, là nhớ, càng không thể hiểu được rằng chỉ cách một mùa xuân, ba sẽ ở cách xa nó 14 múi giờ, khi ba thức thì nó sẽ ngủ...
Tối mùng 3 Tết cũng là đêm chồng chuẩn bị lên đường, nhà mình ăn bánh chưng chiên với dưa món, món ăn mà chồng thích nhất. Chồng bê đĩa bánh chưng, ngồi bên cạnh giường Đậu Đỏ, nhìn nó ngủ lâu thật lâu, mắt hoe hoe đỏ. Biết vợ nhìn thấy, chồng nói lảng: “Bánh chưng vợ chiên hình như bị khét, ăn đắng đắng”.
Vậy đó, mà nhà mình đã đi qua 1 năm xa nhau. Trong 12 tháng ngắn ngủi, gia đình mình đã kịp trải qua nhiều “sự kiện trọng đại”: Đậu Bắp ra đời, Đậu Đỏ lần đầu tiên đến lớp, Đậu Bắp biết lật, biết bò, mọc cái răng đầu tiên... Trong những “sự kiện trọng đại” ấy, các con không có ba bên cạnh nhưng chúng biết ba lúc nào cũng hiện diện thông qua skype, điện thoại đường dài. Một năm dài thật dài khi vợ đánh vật với sữa, tã, thức đêm thức ngày, nơm nớp lo lắng khi trái gió trở trời con nhập viện. Ấy vậy mà 365 ngày cũng trôi vèo vèo khi mình mải quay cuồng với công việc cơ quan, việc nhà việc cửa. Ở “đầu cầu bên đó”, chồng đã kịp lấy cái bằng đầu tiên, đã có thể tự bay trên bầu trời.
Những ngày cuối năm, tin tức liên tiếp về những tai nạn máy bay khiến mọi người lo lắng. Và vợ ở nhà, không chỉ mang tâm trạng của 1 độc giả đọc báo thông thường mà còn luôn nơm nớp nỗi lo mỗi khi chồng cất cánh. Bầu trời là đường đi, là môi trường làm việc thân thuộc của phi công nhưng cũng có quá nhiều thử thách cam go.
Mong Tết đến thật mau, để ngày chồng trở về càng gần lại, để nhà mình lại đủ đầy hạnh phúc. Và vợ biết, khi chồng đã chọn con đường này, những cái Tết sắp tới của nhà mình sẽ không còn là những ngày gia đình tề tựu đông vui, sẻ chia hạnh phúc trong suốt 3 ngày Tết. Bởi mùa Tết, mùa đoàn viên, sum họp cũng là mùa bận rộn tất bật của những người chuyên chở. Chồng sẽ đón giao thừa trong buồng lái, giữa lưng chừng trời, hay ở đâu đó ở một đất nước xa xôi. Các anh phi công, các bác tài xế chính là những người chở mùa xuân về cho người khác.
Nhưng điều đó cũng không làm cho nhà mình thiếu Tết đâu chồng nhỉ? Bởi ở đâu có những người thân yêu của mình là ở đó có Tết.
Nguyễn Thị Phương Anh
Cuộc thi viết "Tết đoàn viên" do nhãn hàng dầu ăn Neptune phối hợp cùng VnExpress tổ chức (từ 12/1 đến 15/2) là nơi để độc giả chia sẻ, gửi gắm tâm tư, nỗi niềm của mình khi phải xa nhà vào dịp Tết, qua đó nhấn mạnh giá trị truyền thống của gia đình Việt cùng thông điệp "Về nhà đón Tết, gia đình trên hết". Bài dự thi được thể hiện dưới dạng text tối đa 1.000 từ, bằng tiếng Việt, có dấu, font Unicode, kèm theo 3 hình ảnh minh họa hoặc video có thời lượng không quá 3 phút, định dạng flv hoặc mp4, kèm theo tiêu đề phản ánh nội dung câu chuyện. Người dự thi tải video lên Youtube rồi gửi đường link cho VnExpress. Gửi bài dự thi tại đây. |