Từ trong góc quạnh hiu này, tôi thèm được thấy một khoảng trời xuân. Tôi cứ tưởng tượng những mầm non nhú ra mơn mởn hít thở không khí của trời xuân mà xanh non mơn mởn. Những nụ hoa hé nở đón những tia nắng xuân ấm áp rồi đua nhau khoe sắc đẹp muôn màu. Những chú bướm trắng bướm vàng ba hoa tán tỉnh các nàng hoa. “Nam thanh nữ tú tưng bừng chơi xuân, sống thử, mượt rừng lá reo”. Mùa xuân đến trong trí tượng của tôi thì mùa xuân nào cũng đẹp.
"Hôm nay khang khác hôm qua
Tiếng chim hót sớm, giàn hoa nở nhiều.
Trán hằn thêm nét đăm chiêu
Nét nào khơi rộng những điều sắc sâu
Nét nào giấu những đêm đau
Nét nào còn đọng những câu thơ buồn
Nét nào tình mảnh trăng non
Nét nào dào dạt tâm hồn sáng trong.
Mở cửa ra đón nắng hồng
Tràn hương xuân sớm, bướm ong dập dình
Đôi chim đang thoả cuộc tình
Nhịp tim hơi thở như mình đang yêu".
Tết! Tết lại đến rồi. Tết này là cái Tết thứ ba mươi mình nằm ở Trung tâm Bảo trợ xã hội. Không gia đình, không người thân, tôi chẳng thể định nghĩa đầy đủ Tết là gì? Không khí Tết nó như thế nào nhỉ? Không khí tết kể cũng vui. Khoảng ngày 25 và 26 Tết có vài đoàn người đến cho quà. Từ chiều ngày 26 Tết thì mọi người về quê hết cả. Chỉ còn một mình tôi nằm trơ trọi lại đây.
![chi-em-loc-son-1422948909-9750-142328098](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2015/02/07/chi-em-loc-son-1422948909-9750-1423280989.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=IGRS4rXOlBqQe6ahdNgiWQ)
Sáng 26 Tết vợ con Đỗ Trọng Khơi đến thăm: "Bác ở lại ăn Tết cho vui nhé. Vợ chồng em cho cháu về quê ăn Tết với bà". Ừ, tôi với Đỗ Trọng Khơi đã thành như là anh em. Cùng tàn tật nặng, cùng nghị lực sống, cùng trở thành nhà thơ và Khơi có vợ con, tôi cũng ấm lòng.
Sáng mồng Một Tết, các phòng đều vắng người cửa đóng kín. Chỉ riêng phòng của tôi cửa mở toang. Sáng sớm có vài người đến cơ quan vào chúc Tết. Trời gió rét mà cửa mở toang gió lùa vào. Người ra muốn giúp tôi đóng cửa lại cho ấm, tôi bảo:
- Cứ để cửa mở vậy. Còn có khách vào.
- Chắc không còn ai đến nữa đâu bác. Để cửa thế này rét lắm.
- Chắc chắn là còn.
Khách quý đến rồi. Mới đến sân mà đã ríu ran, cứ vào nhà đi, cửa mở để chờ các chú đấy!
Trong cuộc sống có những niềm vui tưởng như chỉ ở trong cổ tích. Sáng mồng một Tết, chim sẻ lại bay về đây rất nhiều. Cả đàn ùa vào trong phòng của tôi ríu ra ríu rít như một bầy trẻ thơ. Chắc trái tim bé nhỏ của các chú cảm nhận thấy ở đây có một trái tim con người đáng yêu! Tết nhất tôi chẳng có cỗ bàn gì. Chỉ có gạo thơm mừng tuổi các chú mến thương!
![pham-minh-giang-1422948946-8315-14232809](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2015/02/07/pham-minh-giang-1422948946-8315-1423280990.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Camolxe6F522KV_Ou0kJrA)
Cha mẹ sinh được có một mình tôi lại để tôi mồ côi từ khi mới hai tuổi. Mười mấy tuổi đầu tôi đã bị bệnh phải nằm một chỗ, không nhà cửa riêng tư. Ở đây tôi cũng sắm một bàn thờ đơn sơ. Ngày Tết thắp hương cho cha mẹ.
Cũng hay bây giờ có loại hương vòng cháy liên tục hai ngày đêm nên ba ngày Tết bàn thờ đỏ hương. Nếu không có loại hương này thì ngày Tết bàn thờ cũng đành lạnh lẽo tủi thân mình và tủi thân cha mẹ.
Mấy chục năm cuộc sống của tôi bưng kín trong bốn bức tường. Bây giờ thì đôi mắt, đôi tai của tôi và tình yêu mọi người của tôi cũng vui rồi. Tôi không bị chìm lấp trong bốn bức tường như mấy chục năm đã qua. Chiếc máy tính và Internet đưa tôi ra ngoài đi thật xa. Mở máy tính lên mạng, muôn màu sắc ùa về. Mọi người khắp đất nước, bạn bè năm châu bốn biển như đang vây quanh tôi. Bao nhiêu là nụ cười, bao nhiêu là hoa, bao nhiêu là món quà, bao nhiêu là lời chúc Tết ùa đến ngôi nhà của tôi (email, blog, facebook).
Tôi đang đi du xuân đây này, tôi hòa mình vào bao nhiêu là cảnh đẹp của quê hương, của đất nước, của thế giới gần xa. Gấp máy tính lại, cái buồn mi đừng mò vào căn phòng này nữa nhé.
Tôi không mong người trồng đào bị ế hàng, chỉ mong sao chiều 30 Tết năm nay cũng như mọi năm. Chợ hoa còn lại cây đào nhỏ bán rẻ để tôi đưa nàng về dinh.
Phạm Minh Giắng
Cuộc thi viết "Tết đoàn viên" do nhãn hàng dầu ăn Neptune phối hợp cùng VnExpress tổ chức (từ 12/1 đến 15/2) là nơi để độc giả chia sẻ, gửi gắm tâm tư, nỗi niềm của mình khi phải xa nhà vào dịp Tết, qua đó nhấn mạnh giá trị truyền thống của gia đình Việt cùng thông điệp "Về nhà đón Tết, gia đình trên hết". Bài dự thi được thể hiện dưới dạng text tối đa 1.000 từ, bằng tiếng Việt, có dấu, font Unicode, kèm theo 3 hình ảnh minh họa hoặc video có thời lượng không quá 3 phút, định dạng flv hoặc mp4, kèm theo tiêu đề phản ánh nội dung câu chuyện. Người dự thi tải video lên Youtube rồi gửi đường link cho VnExpress. Xem thể lệ cuộc thi chi tiết tại đây. Gửi bài dự thi tại đây. |