Ba tôi là con trai trưởng của ông nội nên cả nhà đều chung sống với ông bà. Dòng ngày cứ thế trôi đi bình yên và ấm cúng. Ba tôi làm nghề biển ngày đó rất có tiền, thấy vậy nên những người đi biển cùng với ba góp ý sắm tàu lớn để làm ăn cho phát đạt hơn. Thấy ý kiến của anh em hợp với suy nghĩ mình, nên ba đã bàn với mẹ và vài tháng sau ba đã mang về chiếc tàu lớn với hy vọng công việc làm ăn sẽ tốt như trước.
Từ ngày có tàu lớn, không hiểu sao mà những phiên biển trở về đều thua lỗ. Những vết hằn trên vầng trán của ba cứ thế xuất hiện nhiều hơn. Ba thường hay suy nghĩ và tìm cách giải sầu bằng bia rượu. Trong một lần ba say, ông nội góp ý, ba đã cãi lại lời ông (lần đầu tiên ba tôi làm như thế) và sáng hôm sau đã kêu cả bốn mẹ con chúng tôi dọn đồ đạc để chuyển đi. Nơi ở mới của chúng tôi dưới một chân núi, nơi mà ngày ấy không ai muốn "léo" tới. Những anh em của ba khi không thể khuyên nhủ ba quay trở lại với nội, chỉ còn biết giúp gia đình tôi dựng một căn nhà bằng vĩ tre nho nhỏ.
Vừa cất xong mái nhà ấy, cha tôi cùng những người đi biển dong tàu về ngư trường đảo Phú Quý với mong muốn sẽ gặp hên. Lúc này mùa đông đang dần kéo về, căn nhà nhỏ không nơi nào là không dột, vì vậy mà chiếc chõng tre là nơi mà bốn mẹ con chúng tôi trú trên đấy. Ở ngư trường Phú Quý, công việc của ba cũng không có gì khởi sắc. Bạn biển bỏ về. Ba tôi buộc phải ở lại để giữ tàu vì còn thiếu nợ người ta, họ không cho chạy tàu về và cũng không cho về.
Dù thương con nhỏ, nhưng thấy ở quê không làm gì được và nghe ba nói ở trong đấy buôn bán cá và vá lưới thuê cũng kiếm tiền được, nên má khăn gói vào với ba cho ba đỡ buồn. Nếu không tính những lần chúng tôi bị đâu ốm phải vào đất liền chữa trị, thì đó là lần đầu tiên sâu gần mười năm má tôi mới vào đất liền để rồi lại ra đảo mưu sinh. Tôi con nhớ lời má dặn "Đừng khóc, ở nhà có chị hai với anh ba (tôi út) chơi với con. Má đi vào đó với ba kiếm tiền về mua đồ mới cho con ăn Tết". Rồi má gạt nước mắt ra đi.
Mùa đông vẫn lặng lẽ mang giá buốt đến với ba chị em chúng tôi. Có đêm vì lạnh quá, ba chị em không biết phải làm sao nên ôm nhau khóc. Sáng ra thấy chỉ còn mình tôi trên giường, lúc này chị tôi lên núi hái rau, đào củ chuối về ăn, còn anh ba lôi những cây dương bị gãy để về làm củi....
Đông qua đi. Nắng xuân ấm áp làm cho chúng tôi thấy vui vì ba má sắp về. Thế nhưng ngày Tết càng đến gần mà dáng hình thân quên vẫn chưa thấy. Một buổi sáng sau đó, có một người vào nói với chúng tôi là ba má không về ăn Tết được do chưa trả hết nợ nên họ không cho về.
Ba chị em lẳng lặng ôm nhau khóc. Rồi chị đi làm mấy việc người ta mướn để góp tiền mua đồ mới, đồ Tết cho chúng tôi. Có lẽ vì ông trời cũng cám cảnh nên một hôm khi đang vui chơi, anh em chúng tôi đào được môt khối lượng tương đối lớn tiền xu làm bằng đồng. Chúng tôi mang đi bán phế liệu và kiếm được hơn 200 nghìn đồng - một số tiền khá lớn đối với chúng tôi và nó thật sự đã an ủi chúng tôi rất nhiều trong ngày Tết, đó là một bộ đồ mới và ít bánh kẹo.
Mấy ngày Tết, chị em chúng tôi "phân chia" nhau đến nhà cô chú để ăn ké (vì cô chú hồi ấy cũng khó khăn), trong nhà không có gì để ăn. Nhiều khi không dám đi chơi vì chỉ có mỗi bộ đồ mới giặt chưa khô. Còn những lúc đi chơi, khi ngang qua mấy chỗ bán đồ chơi chúng tôi chỉ biết nhìn rồi cúi đầu đi...
Sau Tết, chị tôi giấu hai anh em nói là vô Phú Quý thăm ba má rồi về cùng. Nhưng sau này chúng tôi mới biết là chị bỏ học để đi làm mướn...
Còn ba má tôi mãi cho đến giữa hè mới trở về khi chọn một giải pháp bán tàu để trả nợ...
Từ ngày 15/1 đến hết 1/3, độc giả VnExpress có thể tham gia cuộc thi "Tết và tuổi thơ" để chia sẻ những cảm xúc, kỷ niệm ngày Tết bé thơ đầm ấm bên gia đình. Độc giả bấm vào đây để tham gia. |
Lê Xuân Thọ