Vào một ngày giáp Tết Bính Thìn (1976), họa sĩ Văn Thao (con trưởng nhạc sĩ Văn Cao) trở về nhà, sững sờ với tiếng đàn dương cầm vọng ra từ căn gác nhỏ số 108 Yết Kiêu. Đó là một điệu valse mượt mà, dìu dặt theo như ông kể lại. Cùng với đó là cảnh tượng mà lâu lắm rồi ông không được chứng kiến: “Cha ngồi bên đàn. Đôi bàn tay khô gầy của ông đang lướt trên những phím đàn ố vàng, loang lổ. Tiếng đàn ấm áp, ngọt ngào âm vang đầy ắp căn phòng”.
Sau 20 năm kể từ lần cuối cùng Văn Cao tuyên bố gác bút, từ bỏ sự nghiệp sáng tác, ông mới say sưa như vậy bên phím đàn. “Cha sáng tác bài hát này mừng xuân đầu tiên đất nước mình thống nhất” - Văn Cao đáp lại con trai ông bằng đôi mắt sáng lấp lánh. Và Mùa xuân đầu tiên - mùa xuân hòa bình độc lập đã ra đời.
Khác với những ca khúc có cấu trúc phức tạp, ca từ hào sảng như Trường ca sông Lô, Tình ca trung du, Mùa xuân đầu tiên dẫn dắt người nghe vào một không gian âm nhạc giản dị, trong lành bằng một điệu valse khoan thai, dìu dặt mở đầu:
“… Rồi dặt dìu, mùa xuân theo én về
Mùa bình thường, mùa vui nay đã về…”
Nhịp 3/4 đưa đẩy, chậm rãi, nhịp nhàng đón bước người trở về trong niềm hân hoan ngày hội ngộ. Mùa xuân - mùa vui đã về trọn vẹn khi đất nước lần đầu tiên được đón Tết cổ truyền trong hòa bình độc lập. Niềm xúc động ấy trào dâng trong tất thảy mọi người khi nghe đến hai chữ “đầu tiên” thiêng liêng đầy xót xa, thấm thía.
Tuy nhiên, so với các bài hát khác cũng ra đời ở cùng thời điểm này, Mùa xuân đầu tiên của Văn Cao từng bị coi là “lạc điệu”. Nếu như hầu hết bài hát lúc bấy giờ như Đất nước trọn niềm vui của Hoàng Hà, Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng của Phạm Tuyên, Tiếng hát từ thành phố mang tên Người của Cao Việt Bách đều được viết bởi giọng trưởng, âm hưởng hào hùng, sảng khoái, ca từ hân hoan, hừng hực khí thế chiến thắng thì Mùa xuân đầu tiên không nằm trong mạch cảm hứng ấy.
Cũng nói về mùa xuân, về đất nước, về tình yêu nhưng mùa của Văn Cao là “mùa bình thường”, đất nước của Văn Cao là “tiếng gà gáy trưa bên sông” và tình yêu dâng tràn trong mắt ông là khoảnh khắc “nước mắt trên vai anh, giọt sưởi ấm đôi vai anh” ngày hội ngộ.
Chính vì sự “lạc điệu ấy” mà mặc dù khi hoàn tất, ca khúc được đăng ngay lần đầu tiên trên báo Sài Gòn Giải Phóng số mừng xuân Bính Thìn, đồng thời lập tức được dịch lời và in ở Nga nhưng phải rất lâu sau đó mới được phổ biến rộng rãi ở Việt Nam. Nhiều người cho rằng ca khúc gì mà “nghe mơ hồ rắc rối, kêu gọi tình thương một cách chung chung, thiếu tính giai cấp” (Từ đây người biết quê người… Từ đây người biết thương người… Từ đây người biết yêu người). Có ý kiến chỉ trích tính chất ủy mị, yếu đuối (nước mắt trên vai anh, giọt sưởi ấm đôi vai anh) của bài hát không hợp với khí thế tưng bừng trong ngày vui toàn thắng của dân tộc.
Nhưng cũng chính vì thế mà Mùa xuân đầu tiên ở lại lâu hơn trong lòng khán giả khi tất cả những ồn ào, rực rỡ qua đi. Bởi lẽ, nó đi xa hơn niềm vui tức thì, khi chạm đến những xót xa, thấm thía của một dân tộc bước ra từ đau thương, mất mát của chiến tranh.
Không sử dụng gì nhiều ngoài chất liệu hiện thực, bức tranh mùa xuân của Văn Cao ở đây gần gũi và bình dị như hơi thở, sự sống của những người dân nghèo trên khắp đất nước. Đó là tiếng gà trưa, là giọt nước mắt của bà mẹ “ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ”, là “khói bay trên sông”, là tất cả những đau thương, mất mát lẫn hạnh phúc, tin yêu về một mùa xuân mới.
Văn Cao “đi trước” thời đại có lẽ ở chỗ đó. Ở cái nhìn sâu đằng sau một chiến thắng vang dội là những gì dân tộc này đã phải đánh đổi, hy sinh. Ở cái nhìn xa đằng sau niềm hân hoan phút chốc này là bao nỗi lo về một cuộc đời mới, một cuộc dựng xây mới. Vì thế mà ông vừa bồi hồi, vừa trăn trở:
“… Từ đây người biết quê người
Từ đây người biết thương người
Từ đây người biết yêu người…”
Như một niềm tin vừa được khẳng định nhưng cũng như một băn khoăn, suy tư về tương lai:
“… Từ đây người biết quê người?
Từ đây người biết thương người
Từ đây người biết yêu người?”
Luôn do dự và hồ nghi là tâm thế một người mang cảm thức của cả dân tộc vừa bước ra từ trong chiến tranh, nâng niu trên tay một niệm hạnh phúc diệu kỳ và mong manh như nằm ngoài sự thật. Tâm thế ấy đã vượt lên trên niềm vui thoáng chốc để dự cảm, để xót xa và để thấm thía về con đường dài phía trước mà dân tộc sẽ phải gồng mình bước qua. Với đầy rẫy những đau thương, mất mát, ly tan hay những vách ngăn không cùng giữa quá khứ và tương lai, giữa thế hệ đã hy sinh và thế hệ được hưởng trái ngọt ngày hôm nay.
Thời gian đã là câu trả lời hùng hồn nhất cho những người từng phủ nhận Mùa xuân đầu tiên của Văn Cao. Đến nay, những giai điệu dìu dặt, khoan thai theo đàn chim én bay trong bài hát vẫn làm ấm lòng người Việt Nam khi Tết đến, xuân về. Nói về những giai điệu đẹp đến nao lòng ấy, nhà thơ Thanh Thảo từng ví: “Cả một dòng sông vui nhưng không trào cuộn ồn ào mà như lắng lại, nghe kỹ thấy những lượn sóng đang run run, những lượn sóng như nhắn nhủ cái gì, báo trước điều gì”.
Tác giả Dương Tấn Long cũng chia sẻ niềm đồng cảm trong một nhận xét khác: “Giai điệu và ca từ mới nếm vào thì thấy dịu ngọt nhưng cái ý, cái hồn cứ ngấm dần, nghe đắng quanh cổ xuống tận tim gan…”.
Mùa xuân đầu tiên, ý chỉ mùa xuân hòa bình, độc lập đầu tiên của dân tộc nhưng cũng chính là mùa xuân cuối cùng, một trong các bài hát cuối cùng trong sự nghiệp sáng tác của cố nhạc sĩ Văn Cao. Như một cơ duyên, bài hát cũng phải chịu số phận kỳ lạ, nhiều truân chuyên, trắc trở như chính cuộc đời người nhạc sĩ tài hoa ấy. Có nhiều ca sĩ đã thể hiện thành công bài hát này như nhóm 5 Dòng Kẻ, Tam ca Áo trắng nhưng để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả có lẽ là giọng ca Thanh Thúy trong bản hoà âm của nhạc sĩ Bảo Phúc.
Một ngày đầu xuân mới, hãy cùng nhìn lại hình ảnh của người nhạc sĩ tài hoa, râu tóc bạc phơ, thong thả bước xuống chợ Tết trong một mùa xuân xưa cũ năm nào để sống lại những khoảnh khắc “đầu tiên” thiêng liêng, xúc động ấy một lần nữa khi mùa xuân đang về…
"Mùa xuân đầu tiên" - Thanh Thúy |
|
Anh Mai