Ngay từ buổi còn thơ ấu, tôi vẫn thường ví von theo điệu hát câu ca dao của nội. Rồi tôi cũng được lớn lên bởi đôi bàn tay chai sần rám nắng đầy yêu thương ấy.
Mẹ mất, nhìn thấy ba lóng ngóng chăm sóc tôi, nên nội đã gánh phần chăm tôi để ba lo việc kiếm kế sinh nhai. Khi miền núi yên bình ngày càng lâm vào cảnh đói khổ thì ba tôi cũng lên đường vào Nam mưu sinh để gửi chút tiền về cho tôi được đi học.
![noi-toi-1423289466_1423446779.jpg](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2015/02/09/noi-toi-1423289466-4901-1423451049.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=eZpj1_VupqJejPXtY7dfxQ)
Nội tôi.
Ba ra đi giữa thời bao cấp khó khăn, nhà tôi nghèo lại ở giữa miền đất núi rừng nghèo khó, nội phải vất vả lắm để nuôi tôi lớn lên. Không có tiền mua sữa, mà thật ra ngày ấy để mua được lon sữa cũng khó, thế là nội lại phải chắt nước cơm, bỏ đường vào cho tôi uống thay sữa mẹ. Tôi thiếu sữa ốm yếu èo uột. Người tong teo như que củi.
Nhưng rồi thời gian dần trôi qua thì cũng chính từ những chén nước cơm ấy đã nuôi tồi lớn lên. Nội lại bắt đầu dạy tôi tập đi tập nói, từ câu chào cho đến từng nét chữ đầu tiên. Đôi bàn tay nội phải làm việc nhiều hơn để có thể lo cho hai bà cháu. Ba ở phương xa vẫn gửi về những đồng tiền ít ỏi mà ba phải vất vả lắm mới kiếm được, nên nội dù tuổi đã già vẫn phải mỗi ngày lên nương, có khi mỗi đêm về nội lại dắt tôi theo lội suối bắt ốc để có ngày hôm sau lên chợ bán kiếm chút tiền trang trãi.
Cuộc sống ở trời Nam vẫn khó khăn nên ba đi mãi vẫn chưa về. Cuộc sống khốn khó, chưa năm nào bà cháu tôi có cái tết đủ đầy. Những ngày giáp tết, khi chúng bạn cùng trang lứa với tôi đã khoe những tấm áo mới, dôi dép mới thì tôi vẫn mỗi ngày đứng tựa lưng vào cột nhà trông nội đi chợ về để lục tìm trong giỏ xem có áo mới không. Ánh mắt nội vẫn ươn ướt vì nội hiểu nỗi mong đợi của tôi nhưng không lo được cho tôi có cái tết đủ đầy. Sức cùng lực kiệt của nội lúc đó có cái ăn đã khó, nói chi đến áo đẹp cơm ngon.
![anh-1423289581_1423446805.jpg](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2015/02/09/anh-1423289581-3370-1423451049.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=bdKAx-NKbcuylNbMFZCJMg)
Vài năm sau, ba tôi về, không phải về một mình mà là có thêm một người phụ nữ. Ngày ba dắt dì về ra mắt nội, tôi thấy nội nhìn tôi với anh mắt nội đượm buồn. Dì về, ba cũng cần có cho mình một khoảng trời riêng, nên nội dắt tôi ra đi để nhường lại cho ba khoảng trời riếng ấylại cho ba, nhưng đó cũng chỉ là mái nhà tranh đơn sơ đã cũ.
Ba làm cho bà cháu tôi một cái nhà nhỏ hơn cách nhà cũ vài trăm mét. Ngày nội dắt tôi về nhà mới, những cơn mưa xả trắng miền đất núi tiêu điều. Tôi lũi thũi đi theo sau nội trong cơn mưa chiều dai dẵng. Một tay tôi ôm túi nilong đựng mấy bộ quần áo đã cũ, cuốn vở mới vừa tập viết được vài trang nét chữ còn nguệch ngoạt khi tôi mới học vỡ lòng. Tay kia tôi được nội nắm thật chặt. Mưa xối xả trên hai bà cháu, mà tôi thì vẫn còn quá ngây thơ để có thể hiểu được là nước mắt nội đang hòa lẫn với nước mưa trên khuôn mặt sần sùi rám nắng. Cuộc sống của bà cháu tôi khó khăn hơn từ đó...
Tôi còn nhớ tết năm Ất Hợi, tôi vẫn đang ở cái tuổi 13 đuổi bướm bắt chim, chưa biết bon chen với cuộc sống xô bồ, vẫn còn mãi mê với những trò chơi con trẻ. Và rồi vì một chút nghịch ngợm của tôi, mái nhà tranh hai bà cháu đã bốc cháy ngùn nguộn giữa cái nắng chói của những ngày giáp Tết. Nội tôi gào khóc, hoảng loạn, còn tôi được bác hàng xóm bế thốc chạy ra ngoài, người ta đã cố gắng hết sức, nhưng chỉ đem ra ngoài được cho tôi mấy cái áo cũng đã xỉn màu. Tết năm đó, bà cháu tôi đã trở thành người vô gia cư. Dì vừa mới sinh em bé, nên bà cháu tôi lại tá túc nhà bà Hoa hàng xóm cho qua cái Tết năm ấy.
Mọi việc rồi cũng qua, cuộc sống của bà cháu tôi cũng dần ổn định hơn. Khi tôi đang dần dần trở thành thiếu nữ thì nội lại dạy cho tôi nữ công gia chánh. nội bảo “con gái phải biết lể phép, phải giỏi việc nhà, phải biết may đan thêu thùa thì sau này bà mới an lòng gả cháu theo chồng được”. Rồi nội lại cười, những năm sau, cứ vào những ngày giáp tết nội lại dạy tôi làm bánh chưng, bánh tét… Nội bảo “cố mà làm cho được sau này còn làm cho chồng cho con nó ăn, chứ nội thì chắc không được ăn bánh mày gói rồi”. Với tôi lúc đó, tôi thấy nội thật cương nghị khó tính, nhưng vẫn không dám cãi lời mà ngoan ngoãn làm theo những gì nội chỉ bảo.
![noi-va-vo-chong-toi-trong-ngay-le-an-hoi](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2015/02/09/noi-va-vo-chong-toi-trong-ngay-3964-3392-1423451049.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=B--6gmk3GlkpN_UoJ8kPDg)
Nội và chồng tôi trong ngày lễ ăn hỏi.
Rồi theo quy luật của đời người, tôi theo chồng. Ngày vu quy, những tia nắng chói chang miền đất núi rừng Trà My, những cây bông lau ve vẩy mừng tôi theo chồng về phố. Bà con họ hàng đến vui cười mừng duyên cho tôi, duy chỉ có mình nội lại khóc. Cầm tay tôi trao vào tay mẹ chồng, nước mắt nội lại chảy dài vì lo lắng. Nội sợ không có mẹ tôi sẽ không ngoan, không có mẹ tôi sẽ không biết nề nếp gia đình. Nội sợ nội nuôi dạycháu không tốt rồi đây sẽ làm phật ý nhà chồng. Tôi theo chồng mà nội mang thêm bên mình cả muôn nghìn lo lắng.
Tôi theo chồng về phố rồi, ở nơi miền đất núi nghèo nàn ấy, hằng ngày chỉ có mình nội mang gùi lên rẫy, tối về bên bếp lửa quạnh quẽ cũng chỉ có một đôi bàn tay khô gầy trong màn khói bếp. Những bữa cơm đạm bạc giờ cũng chỉ có một cái chén và một đôi đũa bên đĩa rau rừng quạnh quẽ cô đơn. Bảy năm nay tôi ở nhà chồng, hàng ngày nấu những bữa cơm thịnh soạn cho cả gia đình mà nghĩ đến nội, tôi chợt thấy xót xa. Ngày xưa khi dạy tôi nấu ăn nội cứ bảo “nấu cho ngon mai mốt còn nấu cho chồng cho con ăn nữa”. Và thật đúng như vậy, giờ đây, tôi lại không thể hằng ngày nấu cơm cho nội ăn, pha nước cho nội uống nữa.
Những ngày giáp tết, phố phường tấp nập, người người nhà nhà lại rộn ràng với mai đào, đủ loại bánh mứt. Ở nhà chồng, tôi cũng đang chăm chút sửa soạn nhà cửa, cũng đi chọn những chậu hoa tươi thăm về trưng trong nhà,ngày xưa tôi được bà dạy cho tề gia nội trợ, nên những món bánh mứt tôi đã làm ra thật đẹp mắt. Chiều nay xuống phố cùng mẹ chồng, bất chợt tôi bắt gặp từng chuyến xe chở những đứa con thân yêu của quê hương về quê ăn Tết, tôi chợt thấy lòng mình sao trống vắng, lẻ loi. Tôi nhớ nhà, nhớ nội… Thuở còn bé, mỗi khi Tết về, nhà tôi làm gì có mai có quất, nhưng tết ở miền đất núi quê tôi đẹp lắm, có tiếng suối chảy róc rách, có tiếng chim hót véo von rất đặc trưng, hoa lau, hoa ban nở rộ trắng cả một góc trời.
Bọn trẻ con chúng tôi chưa từng biết đến quần áo mới, cũng chưa từng được đi chơi ra khỏi miền đất nghèo khó quê mình. Nhưng niềm vui của tôi là Tết về, lũ trẻ chúng tôi không phải đi nương mà được đi chơi thỏa thích, được thả diều, tắm suối… Và còn một niềm vui nữa là được đứng bên đường để xem những cô cậu thanh niên ở dưới phố lên tham quan, chụp ảnh... Mỗi chiếc xe qua, bọn trẻ chúng tôi thích thú nhìn và chạy theo cho đến lúc chiếc xe mất hút, để lại chúng tôi trong lớp bụi mờ.
Mấy năm theo chồng, năm nào cũng vậy, cứ đến những ngày giáp Tết là nội lại chống gậy ra ngõ, đôi chân nội đã run không còn đứng vững những vẫn trông từng chuyến xe về miền núi, để xem trong từng chuyến xe ấy có đứa cháu gái trở về quê ăn tết hay không. Nhưng rồi từng chuyến xe đi qua, để lại lớp bụi mờ, bóng dáng cháu lại biệt tăm, nội lại đôi mắt đỏ hoe vì chờ đợi. Dẫu biết tôi phải ở nhà chồng theo đạo dâu con, theo truyền thống, ấy vậy mà năm nào nội cũng chờ, cũng đợi rồi lại đôi mắt ầng ậng nước khi quay trở vào nhà với nổi cô đơn của tuổi già.
Và tôi chắc rằng năm nay nội cũng thế, lại chống gậy ra ngõ đợi tôi. Giao thừa năm nay, chắc nội lại một mình thức trông nồi bánh chưng chờ trời sáng, dáng nội đã liêu xiêu ở tuổi về già nơi miền đất núi rừng. Tôi thấy nhớ nhà quá đỗi. Mấy nhóc em nhỏ trong xóm chắc cũng giống tôi ngày xưa, phong phanh manh áo không đủ ấm trong tiết trời xuân se lạnh, cũng hồi hộp đếm từng ngày mong tết, cũng thức đến giao thừa để đi hái lộc đầu năm.
Tôi thấy lòng mình âang khuâng chộn rộn và chợt nghĩ, nhất định năm nay sẽ xin phép bố mẹ chồng, để cùng chồng và các con về quê ăn tết với nội, được đắm mình trong rừng lau trắng muốt, để được cùng nội lên đồi hái lá về làm bánh, cùng thức canh nồi bánh chưng đêm giao thừa. Và để năm nay khi chuyến xe về miền núi, có đứa cháu đã đưa cả chồng con về núi ăn Tết với bà. Tôi hình dung ra nội sẽ vui lắm v2sẽ đón tôi trở về, tôi biết chắc thế nào nội cũng nấu một nồi lá để gội đầu cho tôi chiều 30 như những ngày xưa.
Rồi nội lại kể cho các con của tôi nghe về tuổi thơ của mẹ chúng. Rồi nội cũng lại trãi tấm chiếu bên cạnh bếp lửa đêm giao thừa, ngồi kể cho chúng nghe những câu chuyện cổ tích, những câu chuyện có ông Bụt, cô Tiên… Tôi chợt thấy mắt mình cay xè, không biết tôi còn được bao nhiêu cái Tết nữa để được đón Tết cùng bà.
Ngoài kia mùa xuân đang về…
Đoàn Thị Hương Huệ
Cuộc thi viết "Tết đoàn viên" do nhãn hàng dầu ăn Neptune phối hợp cùng VnExpress tổ chức (từ 12/1 đến 15/2) là nơi để độc giả chia sẻ, gửi gắm tâm tư, nỗi niềm của mình khi phải xa nhà vào dịp Tết, qua đó nhấn mạnh giá trị truyền thống của gia đình Việt cùng thông điệp "Về nhà đón Tết, gia đình trên hết". Bài dự thi được thể hiện dưới dạng text tối đa 1.000 từ, bằng tiếng Việt, có dấu, font Unicode, kèm theo 3 hình ảnh minh họa hoặc video có thời lượng không quá 3 phút, định dạng flv hoặc mp4, kèm theo tiêu đề phản ánh nội dung câu chuyện. Người dự thi tải video lên Youtube rồi gửi đường link cho VnExpress. Gửi bài dự thi tại đây. |