Sáng nay, bắt gặp ai đó trải lòng mình với Sài Gòn, ta chợt giật mình: Tết đến rồi ư? Với bao bộn bề của công việc, ta vô tình, chẳng nhận ra thành phố mình đang chuyển mình, rất khẽ… Cứ phố phường se se lạnh một chút là nàng xuân đang đến, rất gần…
![dscf0768-1423706522_1423794398.jpg](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2015/02/14/dscf0768-1423706522-9341-1423876550.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=_zC-pcf7kRKWVcnbStKKqg)
Những ngày giáp Tết, bao cảm xúc đan xen đến khó tả. Lại nghĩ nhiều về quá khứ! Lại mơ ước cho tương lai! (Và hẳn là càm ràm với hiện tại vì có mấy ai bằng lòng với hiện tại của mình đâu! Ước có bàn tay của ngoại xoa đầu bảo: Con gái, lại suy nghĩ gì nữa đây? Đừng nhíu mày nhăn mặt mà già hơn ngoại đấy! Ước gì… Nhưng thường khi, cái ta ước là cái ta chưa có, không có hay đã vĩnh viễn không còn nữa… Nhớ lắm… Ngày ngoại ra đi, mùng hai Tết, đất trời như sụp đổ, suốt năm dài lòng ta đau đớn… Lần đầu tiên trong đời, ta hiểu, ta thấm thía thế nào là nỗi đau của sự mất mát…
Nhưng dường như nỗi đau đớn đầu đời ấy đã cho ta một bài học quý: càng đớn đau, ta càng kiên cường, càng đớn đau ta càng “lỳ lợm” với đời. Ta “lỳ lợm” bước đi thênh thang trên mọi nẻo đường mang theo những mơ ước và khát vọng. Ta bước, những bước vững trải, tự tin của tuổi trẻ. Nhưng có những lúc, bước chân ta chông chênh, hụt hẫng cần một điểm tựa…
Và em đến! Ánh mắt trong veo, nụ cười hồn nhiên đến thánh thiện! Ta dừng bước bên em. Ta nhận ra điểm tựa của cuộc đời ta là đây.
Em giống ta, cù bất cù bơ giữa cuộc đời. Em giống ta, cái gương mặt bướng bỉnh đến “lỳ lợm”! Em giống ta, đêm ba mươi tết, ngồi khóc ròng, ước có cô tiên hiện ra cho quần áo đẹp, cho bà ngoại được về với ta…
Ta thương em và ta chợt giận dỗi vô cớ với những đứa học trò giàu có, xênh xang áo quần, ăn uống thừa mứa, kén cá chọn canh…
Đối lập đó là em, dáng em gầy như cành mai khẳng khiu, thèm một bữa ăn no bụng, thèm một giấc ngủ dài…
Đêm ba mươi Tết, sắp giao thừa, em vẫn cặm cụi cần mẫn đi nhặt từng lon nhựa, từng bao nilong… để ngày mai viết tiếp cuộc hành trình của cuộc đời mình…
Thoắt cái mà đã hơn mười năm ta gắn bó với nghề giáo. Xuân về, Tết đến, ta cũng chỉ là một nhà giáo nghèo. Chút quà nhỏ của mùa xuân là tấm lòng ta, tình yêu của ta, niềm hy vọng mãnh liệt của ta gửi đến em.
![dscf0992-1423706537_1423794420.jpg](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2015/02/14/dscf0992-1423706537-3661-1423876550.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=GBFF3MqPAqdSJ-kBiApnzw)
Thành phố vào xuân, đâu đó một góc khuất của phố phường em và ta cảm nhận được hơi ấm của mùa xuân, hơi ấm của tình yêu thương. Hãy kiên cường em nhé. Mùa xuân này là của em. Thành phố này là của em. Bởi “Một năm khởi đầu từ mùa xuân, một đời khởi đầu từ tuổi trẻ và tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”(Hồ Chí Minh). Hỡi em, tuổi trẻ của ta! Mùa xuân của ta!
Và mỗi mùa xuân đến, ta đã từng ước một cái tết đoàn viên. Ngoại đừng đi… Ta sẽ mua cho bà áo đẹp(xưa, áo bà sờn vai, cũ kỹ lắm), ta sẽ mua cho bà bánh ngon (xưa, có bao giờ bà được miếng ăn ngon đâu, có miếng ngon bà nhường cả phần cháu…), ta sẽ và ta sẽ…
Nhưng giờ đây, ta không nuối tiếc quá khứ nữa vì ta biết, ngoại ta chắc hẳn sẽ rất vui và mỉm cười hạnh phúc khi biết ta đã có một gia đình đầm ấm: đàn học trò yêu thương!
Ngoại ta đã đi xa, em và ta là một gia đình nhé…
Em biết không “Nếu người kỹ sư vui mừng nhìn thấy cây cầu mà mình vừa mới xây xong, người nông dân mỉm cười nhìn đồng lúa mình vừa mới trồng, thì người giáo viên vui sướng khi nhìn thấy học sinh đang trưởng thành, lớn lên” (Gôlôbôlin).
Hãy kiên cường và lớn lên, lớn lên cùng TP HCM, thành phố nghĩa tình em nhé…
Em hỡi, em có nhìn thấy ngoài kia, muôn nghìn đóa hoa xuân đã tỏa khắp phố phường. Xuân này ta không còn là người khách tha phương nữa...
Và ta mang cho em cả một mùa xuân, mùa xuân của cuộc đời ta…
Nguyễn Phương Khánh
Cuộc thi viết "Tết đoàn viên" do nhãn hàng dầu ăn Neptune phối hợp cùng VnExpress tổ chức (từ 12/1 đến 15/2) là nơi để độc giả chia sẻ, gửi gắm tâm tư, nỗi niềm của mình khi phải xa nhà vào dịp Tết, qua đó nhấn mạnh giá trị truyền thống của gia đình Việt cùng thông điệp "Về nhà đón Tết, gia đình trên hết". Bài dự thi được thể hiện dưới dạng text tối đa 1.000 từ, bằng tiếng Việt, có dấu, font Unicode, kèm theo 3 hình ảnh minh họa hoặc video có thời lượng không quá 3 phút, định dạng flv hoặc mp4, kèm theo tiêu đề phản ánh nội dung câu chuyện. Người dự thi tải video lên Youtube rồi gửi đường link cho VnExpress. Gửi bài dự thi tại đây. |