Alma-Tadema (1836 - 1912) là một trong những họa sĩ Anh nổi tiếng nhất cuối thế kỷ 19. Là người luôn đòi hỏi sự hoàn hảo ở tác phẩm, Tadema lao động tỉ mỉ, chăm chỉ, ông được người đời tôn trọng, gọi bằng Sir Lawrence Alma-Tadema.
La Mã thời cổ đại dường như có sức hấp dẫn đặc biệt với Alma-Tadema. Ông thường vẽ các đề tài cổ điển, khung cảnh xa hoa của đế quốc La Mã, với những con người quý phái trong cung điện hoa cương lộng lẫy, hoa lá tràn ngập và xanh ngắt màu biển trời Địa Trung Hải.
Bức tranh Spring (Mùa xuân) được Alma-Tadema hoàn thành năm 1894 bằng chất liệu sơn dầu trên vải. Tranh có kích thước 179,2 x 80,3cm, hiện thuộc sở hữu của bảo tàng J.Paul Getty, Mỹ.
Họa phẩm Mùa xuân miêu tả lễ rước Cerealia - một hoạt động trên đường phố La Mã cổ. Trong tôn giáo La Mã cổ đại, lễ hội Cerealia được tổ chức để tưởng nhớ nữ thần Ceres - thần lương thực, ngũ cốc và khả năng sinh sản. Trong tranh, đoàn người đang đi xuống dần từ các bậc thang bằng đá cẩm thạch. Trên ban công, cửa sổ của các ngôi nhà cổ điển, nhiều người đang đứng dõi theo, cổ vũ cho đám rước.
Các nhân vật trong đám rước chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Đi đầu là một cô gái mới lớn thổi sáo, sau đó là những bé gái xinh xắn và những phụ nữ xiêm áo lộng lẫy. Khắp nơi đều có sự hiện diện của hoa: hoa trong giỏ của các em bé, hoa được tết thành vòng đội đầu, hoa cài trên tóc các cô gái, những cành hoa được cầm trên tay của người tham gia đám rước hay những bó hoa được các cô gái quý tộc ôm, hoa được tung đầy trời từ mái nhà.
Mùa xuân là một bức tranh tràn ngập vẻ đẹp, hoa, âm nhạc và sự hoan hỉ. Alma-Tadema với bản tính cầu toàn của mình đã mất tới bốn năm để hoàn thành họa phẩm này. Nhiều người bạn thân, họ hàng của Alma phải đứng ra làm mẫu để ông họa lại hình ảnh đám rước sống động, nhưng các nhân vật đều được đặt trong bối cảnh La Mã cổ đại.
Alma-Tadema đã rất kỳ công khi vẽ các đường vân trên cột, bậc thềm đá hoa cương, chúng đẹp tới mức người xem cứ ngỡ đang đứng trước một kiến trúc bằng đá hoa cương thật. Cẩn thận trong từng chi từ kiến trúc, trang phục, thậm chí cả nhạc cụ của người La Mã cổ, Alma-Tadema đã tái hiện một hình ảnh đẹp của giai đoạn lịch sử đã qua.
Mùa xuân không chỉ là một tác phẩm đẹp được người yêu hội họa mến mộ. Đạo diễn danh tiếng Cecil B. DeMille khi làm phim Cleopatra (1934) đã dựng nhiều hình ảnh được lấy cảm hứng từ họa phẩm Mùa xuân của Alma-Tadema.
Hiền Đỗ