Đối với mỗi người, tuổi thơ luôn là những ký ức đẹp, nó tựa hồ như một bộ phim dài tập, mỗi kỷ niệm như một tập phim được lưu niệm trong một góc của tâm hồn. Để rồi một khoảnh khắc bất chợt, những thước phim dào dạt cảm xúc của một miền tuổi thơ chợt ùa về như mây tuôn, nước chảy.
Với tôi, mỗi dịp Tết Trung thu, cùng với tiếng trống lân dồn dập, trong tôi cứ bồi hồi, xúc động, tôi như thấy tôi trong hình ảnh của những đứa trẻ đang hân hoan vui đón Tết trăng rằm!
Tuổi thơ chúng tôi gắn bó với một vùng quê nghèo, cuộc sống người dân sống quanh năm chủ yếu gắn bó với ruộng vườn. Trừ những năm mưa thuận, gió hoà, mùa màng bội thu, cuộc sống người dân bớt nhọc nhằn, còn lại cái đói, cái nghèo cứ rình rập, bủa vây. Nhưng tuổi thơ chúng tôi ấm áp nhất vẫn là sống trong tình làng, nghĩa xóm.
Chúng tôi, những đứa trẻ quê nghèo, lớn lên trong sự yêu thương, đùm bọc, bao dung của gia đình và làng xóm. Ngoài việc học hành, phụ giúp việc nhà như chăn trâu, bò, cắt cỏ, hái rau, đan lát, nấu cơm…, chúng tôi còn nghĩ ra vô vàn những thú vui chơi nơi thôn dã.
(Xem thêm: Mùa Trung thu - miền kỷ niệm)
Nếu người lớn quanh năm phải vật lộn với cuộc mưu sinh, phải lo toan nhiều thứ, thì bọn trẻ chúng tôi vô tư như đàn chim nhỏ, vui hết trò này đến trò khác. Mùa nào cũng có thú vui riêng.
Mùa hè, rộn rã tiếng cười với những buổi chăn trâu đồng chiều, đá bóng rơm trên ruộng khô nứt nẻ, mùi khói rạ khét lẹt ám vào người cùng mô hôi chát mặn đầu môi.
Mùa lũ lụt về nước dâng lênh láng, nước từ đầu nguồn đổ về, đầy sông, ngập đồng, nước tràn qua ngõ, nước vào đến tận nhà. Có khi sau một đêm ngủ, sáng thức dậy đã thấy nước vào đến bậc thềm trước nhà.
Mùa lũ, từ đầu làng đến cuối xóm đâu đâu cũng thấy toàn nước với nước. Phương tiện đi lại duy nhất trong nước lũ là ghe (ở quê tôi, thuyền chỉ dùng để đi biển).
(Xem thêm: Mất cả tháng lương mua quà trung thu biếu sếp)
Chúng tôi theo ghe cùng các anh trai trong làng đi bắt chuột, bắt chồn, bắt rắn. cùng người lớn đi thăm hỏi các gia đình khác có bị thiệt hại tài sản, nhà cửa do lũ lụt hay không? Ngồi cùng ghe với thanh niên trên những chiếc ghe đua; khi nước xuống ngồi trên ghe để ra đồng giăng lưới bắt cá…
Nhưng vui và rộn ràng hơn cả là mùa Trung thu! Với nhiều người thì chỉ có một ngày Tết Trung thu, còn tuổi thơ chúng tôi, Trung thu là cả một mùa dài.
Mùa vui Trung thu này thường bắt đầu vào khoảng cuối dịp nghỉ hè. Từ khoảng tháng sáu âm lịch, tranh thủ lúc chăn trâu, bò, chúng tôi phân công một nhóm đi bắt cá đồng đem bán, những đứa có gia đình khá giả hơn thì tiết kiệm tiền ăn sáng, tiền quà vặt, số khác xin cha mẹ gom góp chai lọ, dép đứt, nồi chậu hỏng để bán đồng nát gây quỹ. Quỹ này dành để tổ chức một đội lân.
Đến đầu tháng bảy âm lịch, chúng tôi bắt đầu công việc làm đầu lân. Việc làm khung sườn và dán giấy để tạo hình một đầu lân rất đơn giản. Chỉ cần từ ba đến năm buổi trưa là xong.
(Xem thêm: Bố chế robot Transformer cao 1,5m tặng con dịp Trung thu)
Việc khó nhất là công đoạn trang trí sao cho đầu lân được đẹp. Nghe mấy anh chị cấp III nói: trên thị trấn người ta làm lân đẹp lắm, thế là chúng tôi phân công mấy đứa có “hoa tay” nhất đi thị trấn “học nghề”.
Đi được vài lần, đã học được một ít “bí kíp” ý tưởng và kỹ thuật, nhưng run rủi sao chủ tiệm phát hiện ra “ý đồ” nên thấy chúng tôi là họ đuổi ra, không cho xem.
Chúng tôi đành thay đổi chiến thuật, đưa nhiều nhóm thay phiên nhau lên thị trấn. Qua mặt được người ta thì lại khó khăn cho chúng tôi bởi “chín người mười ý”, cãi nhau liên tục, có khi cả buổi không làm được gì. Nhiều lúc cãi nhau dữ quá người lớn phải đứng ra can thiệp mới yên.
Từ khi “có nghề”, chúng tôi cứ truyền cho nhau, đầu lân của năm sau lúc nào cũng đẹp hơn năm trước.
Khoảng cuối tháng bảy, chúng tôi bắt đầu tập luyện đội múa lân. Những ai mạnh khoẻ thì đảm nhiệm phần đầu lân, ai linh hoạt, nhanh nhẹn sẽ làm Tề thiên đại thánh, Trư Bát giới thì dành cho đứa “tròn” nhất trong đám.
(Xem thêm: 10 lồng đèn Pokemon cao 1,5m đêm Trung thu)
Khó nhất là chọn người làm ông Địa. Ông Địa phải là đứa có tố chất đặc biệt: dáng đi nhẹ nhàng, uyển chuyển. Đôi tay ông địa phải mềm mại để cầm quạt phe phẩy; giọng nói to, rõ nhưng phải ấm áp; điệu bộ phải từ tốn, kiên trì để “nịnh” gia chủ.
Lấy được lòng chủ nhà hay không, có xin được tiền và lộc hay không, mỗi đội lân đều phụ thuộc rất lớn vào khả năng của ông Địa. Rồi thì người đánh trống cũng rất quan trọng. Người đánh trống lân phải có sức khoẻ dẻo dai, đánh đúng nhịp, dứt khoát, tiếng trống phải rộn ràng, thúc giục người nghe và hơn hết người đánh trống phải có khả năng điều khiển được cả đội lân…
Rồi mùa múa lân cũng bắt đầu!
Chúng tôi thường chọn gia đình có điều kiện trong xóm, thích múa lân, sống phóng khoáng để khai mạc mùa múa lân lấy may. Tối 12 tháng 8 âm lịch là ngày hội múa lân của đám trẻ chúng tôi bắt đầu và sẽ kết thúc vào khuya ngày rằm.
(Xem thêm: Phố Hàng Mã rực rỡ sắc màu đón tết Trung Thu)
Ngày ấy, vì làng quê rất nghèo, nên phần thưởng của các hộ gia đình cho đội lân cũng không nhiều, có khi vài nghìn đồng kèm theo nải chuối, gói bánh, ít kẹo, thậm chí có cả nắm xôi hoặc cái bánh chưng. Phần thưởng tuy nhỏ, nhưng chúng tôi rất vui. Bọn trẻ chúng tôi khát khao ngày hội múa lân để được vui chơi, vì vậy, chỉ cần khi đội lân chúng tôi đến cổng, gia chủ mở cửa chào đón là chúng tôi vui không gì tả nổi. Gia chủ cho cái gì cũng không vui bằng cho lân chúng tôi vào nhà. Niềm vui chỉ có vậy!
Nhưng cũng có năm, vì thời tiết không thuận lợi, trời mưa từ mồng mười tháng tám (chọi trâu) đến qua rằm. Trời mưa thì ít, lòng trẻ thơ chúng tôi mới mưa nhiều! Trẻ con buồn làm người lớn cũng buồn lây. Thành ra, những mùa Trung thu gặp mưa cả xóm như cũng đượm buồn. Mấy hôm nay, Tây Nguyên, đêm xuống trời đổ mưa, nhìn thời, thương các cháu nhỏ mà sóng mũi cứ cay cay!
>> Chia sẻ bài viết của bạn tại đây.
Bây giờ, theo thời gian, chúng tôi lớn lên, mỗi người một nơi, ai cũng chăm lo cho cuộc sống của mái ấm gia đình mình. Những kỷ niệm ấu thơ vẫn hằng in trong ký ức. Đêm nay, nghe tiếng trống lân qua ngõ, lòng rưng rưng nhớ, nên ghi vội vài dòng để chia sẻ với bạn bè gần xa nhân dịp Trung thu về.
>> Xem thêm: Mùa Trung thu vắng bố
Hà Đăng Khoa