Tình trạng kháng thuốc kháng sinh tại Việt Nam được ông Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Quản lý Khám chữa Bệnh (Bộ Y tế) đánh giá là "hết sức trầm trọng", trong cuộc họp với Tổ chức Y tế Thế giới diễn ra ở Hà Nội hôm 29/11. Hầu hết các chủng vi khuẩn đều đã kháng kháng sinh, một số loại thậm chí còn biến đổi gen và kháng toàn bộ thuốc vốn vẫn dùng để điều trị bệnh.
Theo ông Thái, có 4 nguyên nhân dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh hiện nay ở Việt Nam. Thứ nhất, nhận thức của cộng đồng và đội ngũ cán bộ y tế chưa đầy đủ. Kiến thức về thuốc kháng sinh cũng như tình trạng kháng thuốc kháng sinh còn hạn chế, nhiều người lầm tưởng bệnh gì cũng có thể chữa bằng kháng sinh.
Thứ hai, việc sử dụng kháng sinh còn tùy tiện, không theo đúng chỉ dẫn. Ông Thái nhận định ở Việt Nam mua kháng sinh dễ như mua mớ rau. Khảo sát năm 2011 do Cục Quản lý Khám chữa bệnh cùng Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương tiến hành cho thấy 88% người dân thành thị mua thuốc kháng sinh không có đơn bác sĩ. Con số này ở các vùng nông thôn là 91%. Thêm vào đó, tiền thuốc của bệnh nhân hiện chiếm khoảng 50% chi phí khám chữa bệnh, trong đó thuốc kháng sinh chiếm 33% chứng tỏ mức độ dùng kháng sinh rất cao.
Thứ ba, các nhà thuốc cũng như cán bộ y tế lạm dụng thuốc kháng sinh, chỉ định kháng sinh kể cả trong trường hợp không cần thiết, đặc biệt với trẻ em. Nhiều trường hợp dược sĩ, bác sĩ còn khuyên bệnh nhân mua kháng sinh liều cao hơn. Khảo sát năm 2012 của Bộ Y tế chỉ ra tỷ lệ sử dụng kháng sinh ở các bệnh viện trung ương vào khoảng 30%, các bệnh viện tuyến tỉnh trên 35% còn các bệnh viện tuyến huyện thì đến 45%. Như vậy, càng ở tuyến y tế cơ sở, càng gần dân thì tình trạng dùng kháng sinh càng phổ biến.
Ngoài ra, ông Thái cho biết bác sĩ làm việc tại phòng khám tư dễ lạm dụng kháng sinh hơn bệnh viện nhà nước do thiếu quy chế giám sát chặt chẽ. Điều này rất đáng lo ngại bởi Việt Nam có khoảng 1.000 bệnh viện công nhưng số cơ sở đa khoa, chuyên khoa tư nhân xấp xỉ 30.000.
Thứ tư, chưa thể kiểm soát mức độ sử dụng kháng sinh cho chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Tiến sĩ Pawin Padungtod, điều phối viên Kỹ thuật Quốc tế của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) ước tính, ở Việt Nam 50% thuốc kháng sinh của người được dùng cho vật nuôi với mục đích điều trị, phòng chống bệnh và thúc đẩy tăng trưởng. Vi khuẩn kháng kháng sinh trong động vật không chỉ tấn công người ăn thịt mà còn phát tán rất nhanh trong môi trường.
Được phát minh cách đây gần 90 năm, thuốc kháng sinh tạo nên bước ngoặt cho y học, hỗ trợ bác sĩ điều trị các bệnh nhiễm khuẩn và cứu sống hàng triệu người. Tuy nhiên ngày nay loại thuốc này dần mất đi hiệu quả do tình trạng kháng kháng sinh, chủ yếu bởi thói quen sử dụng thuốc bừa bãi, quá liều. Không chỉ trực tiếp đe dọa sức khỏe, tính mạng con người, tình trạng kháng kháng sinh còn dẫn đến hàng loạt nguy cơ cho môi trường cùng hệ thống sản xuất thực phẩm và nông nghiệp.
Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đến năm 2050, tình trạng kháng kháng sinh sẽ tạo nên một cuộc khủng hoảng toàn cầu. Khoảng 10 triệu người sẽ chết vì kháng kháng sinh mỗi năm, nghĩa là cứ 3 giây lại có một trường hợp tử vong, nhiều hơn hẳn so với ung thư. "Kháng kháng sinh xảy ra khi vi khuẩn thay đổi và trở nên kháng với thuốc kháng sinh được sử dụng để điều trị những nhiễm trùng do chúng gây ra", đại diện WHO nói.
Kháng kháng sinh khiến bệnh nhân phải chi trả nhiều hơn, thời gian hồi phục kéo dài, khả năng khỏe lại hoàn toàn thấp đi và nguy cơ tử vong tăng cao. Ông Thái ví dụ, tình trạng bệnh nhân có thể không quá nghiêm trọng nhưng dễ gặp biến chứng chết người nếu vào bệnh viện lây phải vi khuẩn kháng kháng sinh. Các bệnh vốn chữa được nhiều khả năng trở thành không chữa được. Xét về điều kiện xã hội, kháng kháng sinh dẫn tới nguy cơ tái nghèo.
Để cải thiện tình trạng kháng kháng sinh, ông Thái nhấn mạnh biện pháp quan trọng nhất là sử dụng thuốc kháng sinh hợp lý. Ông Thái hy vọng kiến thức về kháng kháng sinh sẽ được phổ cập trong giáo dục. Tiếp đến, cần chống lây nhiễm trong bệnh viện và cộng đồng. Hiện Bộ Y tế đã ban hành 700 hướng dẫn chẩn đoán điều trị cho thầy thuốc để sử dụng kháng sinh đúng cách, lập 16 đơn vị giám sát kháng thuốc. Ở mức độ cá nhân, mỗi người cần vệ sinh sạch sẽ bằng cách rửa tay thường xuyên, chế biến thức ăn cẩn thận. Ngoài ra, các hãng dược phải cam kết đảm bảo chất lượng thuốc kháng sinh bởi 46% kháng sinh ở Việt Nam được sản xuất trong nước.
Minh Nguyên