1.
Bây giờ đang là mùa thu, và nhiều người đang rủ nhau ra Hà Nội để thưởng ngoạn phong cảnh theo biến tấu mùa màng trình diễn những sắc màu rực rỡ. Tôi cũng từng có những ngày lang thang cùng mùa thu Hà Nội, chân bước chậm trên hè phố, trong đầu khẽ vang những câu thơ của Xuân Quỳnh: "Cuối trời mây trắng bay/ Lá vàng thưa thớt quá/ Phải chăng lá về rừng/ Mùa thu đi cùng lá/ Mùa thu ra biển cả/ Theo dòng nước mênh mông/ Mùa thu vào hoa cúc/ Chỉ còn anh và em/ Là của mùa thu cũ"... (Thư tình cuối mùa thu)
Hình như khi bài này được phổ nhạc (bởi Phan Huỳnh Điểu) thì nhiều người hay hát sai câu này: Mùa thu vàng hoa cúc. Thực ra là "Mùa thu vào hoa cúc", chữ "vào" này mới thật là đắc, thật là thơ. Cả một mùa thu như đang đi vào, ngưng đọng, bừng chiếu trong từng đóa hoa cúc. Nhưng thôi, nói "mùa thu vàng hoa cúc" cho nó dễ hiểu vậy!
Tôi rất mê hoa cúc, thích đứng trước một vườn hoa cúc vàng trải dài như bất tận. Nhưng hình ảnh đó chỉ có thể nhìn thấy ở Đà Lạt, hay đâu đó, còn Sài Gòn thì không thể. Trước đây, Sài Gòn có làng hoa Gò Vấp trồng rất nhiều loại hoa. Nhưng bây giờ thì chỉ còn lại những dấu vết nhỏ nhoi.
Lang thang qua nhiều thành phố lớn nhỏ trên đất nước, hay ngồi trong các quán cà phê, nhưng theo trí nhớ và theo nhận xét có phần chủ quan của tôi thì chưa ở đâu, quán xá lại chưng hoa nhiều và đẹp như Sài Gòn. Suốt một thời tuổi trẻ, tôi hay thường đến một quán cà phê, hình như là trên đường Nguyễn Đình Chính (Phú Nhuận), để nghe nhạc và ngắm hoa. Quán chưng rất nhiều loại hoa tươi hiếm và đẹp chỉ có ở xứ lạnh như Sapa, Đà Lạt hay Châu Âu. Nghĩa là chủ quán đã rất "chịu chơi" khi trồng và chưng những loại hoa có đời sống không bền. Hoa sớm nở tối tàn, nhưng đẹp. Đó cũng là một mảnh ký ức về hoa ở Sài Gòn.
2.
Sài Gòn cũng là một thành phố có rất nhiều tiệm hoa tươi. Hầu như trên bất kỳ một con đường, một góc phố nào cũng có tiệm hoa, với đủ các loại hoa. Tiệm hoa nhộn nhịp vào các ngày lễ: lễ Tình nhân, ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, ngày của Mẹ, lễ Vu Lan, ngày nhà giáo VN, lễ Giáng sinh và Tết... Cứ thế, quanh năm, người bán hoa luôn tất bật. Nhưng ấn tượng nhất ở Sài Gòn vào những ngày lễ như thế là hoa tràn ra ngoài đường. Những cô cậu sinh viên tranh thủ làm thêm kiếm tiền, đã lấy hoa từ các tiệm, hay làm siêng đi mua hoa từ các chợ đầu mối mang về bán.
Hình như ở Sài Gòn, hoa bán vào các dịp lễ là đắt nhất nước. Một cành hoa hồng ngày thường, giá bán chỉ vài ngàn đồng, nhưng vào ngày lễ được bán với giá: 30 ngàn đồng/cành là bình thường. Hoa vào ngày tết thì giá cao ngất ngưỡng. Một bình hoa lan, ngày thường chỉ hơn triệu, ngày tết giá chục triệu. Ví dụ vậy.
3.
Nhân nói chuyện hoa, tôi chợt nghĩ đến một khía cạnh khác: hoa trong ngày thường và hoa trong đời thường. Sài Gòn là một thành phố có khá đông dân ngụ cư. Người lao động phổ thông, sinh viên, công nhân xí nghiệp, phụ nữ bán hàng rong... chiếm khá nhiều. Với những đối tượng này thì tôi nghĩ rằng việc mua hoa hằng ngày đối với họ là xa xỉ. Trong những khu phố nghèo thì người ta chỉ mua hoa để... cúng vào những rằm. Nói tóm lại, số đông vẫn chưng hoa vào một dịp nào đó, chứ không có điều kiện hay thói quen chưng và ngắm hoa trong mỗi ngày thường.
Sở dĩ tôi nói, nhiều người không có thói quen đó, bởi ngày thường hoa rẻ chứ không mắc. Trên những hè phố phố Sài Gòn, tôi thường thấy người ta để những bó hoa hồng đủ màu sắc với tấm biển: "Hoa hồng Đà Lạt, 20.000đ/chục" Nghĩa là chỉ với 20.000 đồng (tương đương với ly cà phê quán bình dân) mình đã có được 10 cành hoa hồng xinh xắn. Tôi cũng thường thấy những người đi bán hoa sen dạo trong thành phố. Và tôi vô cùng ngạc nhiên, khi biết một bó hoa sen 10 cành, giá chỉ 15.000 đồng. Đó là những cành hoa sen rất đẹp, làm rực rỡ cả một căn phòng, trong suốt mấy ngày liền. Thế mà trong ngày thường thì cũng rất hiếm người mua. Và, sao cứ phải tặng hoa nhau trong một ngày "kỷ niệm" hay lễ lạc nào đó, mà không phải là bất cứ ngày nào?
Sài Gòn không có mùa thu vàng hoa cúc. Sài Gòn đang những ngày áp thấp ảm đạm. Sáng chiều những dòng xe cuồn cuộn vội vã. Bên đường, những hàng hoa buồn hiu, những nhành hoa dần rụng cánh...
Trần Nhã Thụy