Thứ sáu, 19/4/2024
Thứ hai, 18/12/2017, 15:49 (GMT+7)

Mùa thu hoạch mật ong bạc hà ở cao nguyên đá

Mùa hoa dại nở rộ trên cao nguyên đá Hà Giang giúp vùng núi cao này có một sản vật độc đáo là mật ong bạc hà.

 Mùa khai thác mật ong ở Cao Nguyên đá
 
 

 

Cuối năm là thời điểm cao nguyên đá Hà Giang vào vụ thu hoạch mật ong. Thời tiết giá lạnh nơi đây tạo điều kiện thuận lợi cho người nuôi ong, bởi nó giúp hoa bạc hà nở rộ cho ong lấy phấn.

Hoa bạc hà (theo cách gọi tên của người dân địa phương) là cây mọc tự nhiên trên diện tích rộng lớn, thường nở rộ từ cuối tháng 9 đến hết tháng 12. 

"Người nuôi ong phải sống kiểu du mục, trong năm liên tục di chuyển các đàn ong đến vùng có hoa nở. Mỗi mùa lại cắm nhà bạt tại chỗ để thu hoạch mật", ông Và Mí Dính (xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, người có 15 năm kinh nghiệm nuôi ong) chia sẻ.

Vào thời điểm cuối vụ, ít hoa, các đàn ong thường tranh nhau phấn hoa nên người nuôi thắp hương hoặc tạo khói ở tổ để "thuần" đàn ong, tránh việc ong "đánh nhau".

Ông chúa có tuổi thọ ít nhất 6 tháng sẽ được nhốt riêng trong một thùng ong để làm nhiệm vụ đẻ trứng. Ong thợ có vòng đời 45 ngày, sau 15 ngày nở sẽ bay đi tìm mật và nhụy hoa.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp Hà Giang, hiện toàn tỉnh có khoảng 28.000 đàn ong, tăng hơn 8.000 đàn so với năm 2011.

Máy tạo khói, mũ lưới, găng tay là những dụng cụ không thể thiếu khi khai thác mật ong, bởi khi mở tổ, ong sẽ bay loạn và có thể đốt người.

"Tháng 6 tháng 7 hàng năm là thời điểm cao nguyên đá không có hoa, khi đó người dân phải cho ong ăn đường để giữ chân ong ở lại tổ", ông Má Văn Phú ở huyện Đồng Văn nói.

Mật ong bạc hà đã trở thành đặc sản của vùng núi cao, được đông đảo người tiêu dùng ưa chuộng. 

"Mỗi vụ hoa kéo dài khoảng gần 3 tháng, một thùng ong cho 5 lít mật/vụ. Gia đình tôi có 120 đàn, mỗi vụ khai thác khoảng 600 lít mật, thu nhập gần 300 triệu đồng", anh Phạm Ngọc Doanh ở xã Pả Lủng, huyện Mèo Vạc cho hay.

Mật ong bạc hà thường có màu vàng xanh trong suốt, ăn có vị thơm dịu. 

Ngọc Thành