Sáng giữa tháng 9, ông Vi Văn Ngoan, trú xã Tiên Kỳ, huyện Tân Kỳ, cùng 5 hàng xóm mang gùi, dao và liềm đi bộ vào núi cách nhà hơn 3 km hái măng loi. Đây là công việc thời vụ của người dân vùng cao Nghệ An dịp Thu Đông.
Đỉnh núi Pù Loi thuộc các xã Tiên Kỳ, Đồng Văn và Tân Hợp, diện tích khoảng 300 ha, cao hơn 1.000 m so với mực nước biển, có nhiều cây loi mọc tự nhiên. Thuộc họ tre, cây loi cao hơn một mét, lá nhọn, vỏ bóng, thân to bằng ngón tay cái, mọc thành từng bãi lớn. Người dân thường chọn cây non tách vỏ lấy măng.
Ba tuần qua, mỗi lần lên núi ông Ngoan luôn mang theo cơm nắm, thức ăn và nước uống để làm việc xuyên trưa. Với những bãi đất mọc nhiều măng loi, cả nhóm 6 người xúm lại bẻ hoặc dùng liềm cắt sát gốc, sau đó ngồi tại chỗ tách vỏ, chỉ giữ lại ngọn non dài 40-60 cm. Một ngày, mỗi người hái được 10-15 kg.
"Măng loi là lộc rừng thiên nhiên ban tặng cho đỉnh Pù Loi. Do vậy những người đi rừng thường khuyên nhau mỗi bãi măng nên để lại vài mầm để cây sinh trưởng, mùa sau còn có cái thu hoạch", ông Ngoan nói.
Ngoài dân địa phương, một số gia đình ở các huyện như Quế Phong, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn... cũng tranh thủ vào núi Pù Loi hái măng loi. Người nhà gần đi về trong ngày, người ở xa mỗi chuyến đi 2-3 ngày, tối dựng lán ngủ lại rừng.
Măng loi luôn đắt hàng, người dân xuống khỏi núi đã có thương lái chờ sẵn mua với giá 50.000-60.000 đồng/kg tùy loại. "Mỗi ngày tôi hái được khoảng 10 kg, thu về hơn 500.000 đồng. Gia đình 2-3 thành viên thì thu gần 2 triệu đồng mỗi chuyến đi măng", bà Lô Thị Sen, 52 tuổi, trú xã Đồng Văn, cho hay.
Ngoài bán cho thương lái, người dân cũng cất 1-2 kg măng loi về làm thực phẩm, chế biến thành nhiều món như luộc, xào, dầm tỏi ớt, ngâm chua cay... Những năm gần đây, khách thập phương đến vùng cao Nghệ An thường tìm mua đặc sản măng loi đưa về làm quà biếu.
Dù có thu nhập, người hái măng cũng đối mặt với nhiều nguy hiểm. Núi Pù Loi nhiều dốc đá dựng đứng, cây bụi chằng chịt, người đi rừng rất dễ bị ngã, nhất là những hôm trời mưa phải gùi nặng xuống núi; có thể bị vắt, rắn, rết tấn công nếu không mang đồ bảo hộ.
Ông Trương Công Thạch, Chủ tịch xã Tiên Kỳ, cho biết diện tích măng loi ở núi Pù Loi khoảng 100 ha. Năm nay người dân đi hái măng ít hơn trước do đã khai thác quá nhiều khiến cây chưa sinh trưởng kịp. "Chính quyền thường xuyên tuyên truyền người dân bên cạnh khai thác thì cũng cần bảo vệ nguồn gen quý hiếm măng loi", ông Thạch nói.
Cuối tháng 8, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An đã đồng ý nghiệm thu dự án xây dựng mô hình bảo vệ, khai thác và chế biến măng loi do huyện Tân Kỳ đề xuất. Nhà chức trách đã xây dựng được quy trình quản lý, bảo vệ, khoanh nuôi, trồng dặm măng tại những điểm mà người dân đã thu hoạch, trên diện tích 3 ha.
"Mục tiêu của dự án là bảo tồn loài măng loi đặc hữu của Tân Kỳ, từ đó chế biến ra những sản phẩm chất lượng cao", ông Nguyễn Quý Hiếu, Trưởng phòng Quản lý khoa học, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An, nói.