Thứ hai, 20/1/2025
Thứ bảy, 25/8/2018, 10:44 (GMT+7)

Mùa thu hoạch chè trên nông trường gần trăm tuổi ở phố núi

Cuối tháng 8, hàng trăm nông dân tất bật làm việc trên những cánh đồng chè lâu năm ở xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai.

Đồng chè Biển Hồ là một trong nông trường lâu đời nhất tỉnh Gia Lai. Năm 1921, những cây chè đầu tiên tại đây được người Pháp trồng bằng phương pháp gieo hạt. Hiện nay, nông trường này được Công ty TNHH MTV chè Biển Hồ quản lý với 351 ha trồng chè, hơn 700 ha trồng cà phê.

Những ngày này, từ 7h đến 17h, hàng trăm nông dân tất bật ra đồng hái, thu gom chè về nhà máy trong ngày để kịp chế biến.

"Vườn chè tôi đang đứng là do người Pháp trồng năm 1944, khi tôi còn chưa sinh ra. Đời ông già, bà già tôi, đến đời tôi và các con dâu rể sau này đều hái chè. Mỗi cân chè được 3.000 đồng tiền công. Mỗi ngày một người hái được 30 tới 70 cân. Nhưng một tháng chỉ hái 2 đến 3 lần thôi", bà A Hom (53 tuổi), buôn Ia Lũh, kể.

Tại nông trường Biển Hồ, có nhiều loại chè khác nhau, trong đó giống chè phổ biến nhất là chè Phú Hộ, chè Thái Nguyên, Shan Tuyết...

Toàn bộ diện tích được công ty giao khoán cho nông dân. Công ty hỗ trợ các khoản giống cây, phân bón, thuốc trừ sâu và chịu trách nhiệm đầu ra cho sản phẩm.

Diện tích đồng chè cổ đã và đang bị hẹp dần bởi già cỗi, sâu bệnh, hiệu quả kinh tế thấp nên bị người trồng chặt bỏ và trồng mới vào những năm 1978 - 1979.

Theo những nông dân ở đây, những gốc chè từ thời Pháp cho ra những búp non có vị chát dịu xen lẫn một chút vị ngọt thanh đặc trưng mà các cây chè ít tuổi không có được.

Chè được phân làm 4 loại A, B, C và D để thuận tiện thu mua, trong đó chè loại A có giá cao nhất bởi nó ít lẫn lá già, lá bánh tẻ.

"Thời điểm thu hoạch thường rơi vào mùa mưa (tháng 7 tới tháng 10) nên bà con ở đây đều phải bọc thêm lớp vải chống thấm vào nón để tránh bị ướt, hư hỏng", chị Nguyễn Thị Hưởng, gắn bó với cây chè hơn 15 năm, giải thích.

Hai vợ chồng chị Hưởng thu gom chè vào bao tải. Chị cho biết, vào đợt chính vụ, chè ra nhiều búp, một ngày chị có thể hái được 70 kg. Để hái được số chè này, ước tính chị phải đi bộ khoảng 8 km.

Cứ tới giữa trưa và chiều muộn trong ngày, những chiếc xe công nông, xe cải tiến sẽ tới tận ruộng để thu gom chè tươi rồi chuyển về nhà máy chế biến.

Những nông dân cùng hợp sức đẩy từng bao chè lên xe tải để chở về nhà máy.

Theo lãnh đạo Công ty chè Biển Hồ, hiện nay do nhân công khan hiếm, những người trồng chè đang dần đầu tư máy hái chè. Tuy năng suất cao nhưng việc hái bằng tay vẫn ít lẫn các loại lá già, bánh tẻ hơn so với máy móc.

Chè xanh được các công nhân cho vào máy vò, tạo hình trước khi sao và sấy thành sản phẩm.

Bà Lâm Thị Hòa, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV chè Biển Hồ, cho biết trước đây, sản phẩm chè đen có vị đặc biệt thơm ngon, được người Pháp xếp vào hàng thượng phẩm và mang về nước. Sản phẩm này được duy trì sản xuất tới năm 2005. Tuy nhiên, sau đó chè đen rớt giá, công ty đã phải bỏ mặt hàng này, chỉ tập trung chế biến trà xanh.

Hiện nay, ngoài thị trường trong nước, chè xanh Biển Hồ còn được xuất sang Pakistan, Afghanistan.

Thành Nguyễn - Bảo Uyên