Thứ năm, 9/1/2025
Chủ nhật, 5/12/2021, 09:14 (GMT+7)

Mùa thu hoạch cà phê ở Tây Nguyên

Gia LaiNông dân đang vào vụ hái cà phê, nhưng dịch bệnh khiến nhiều chủ vườn khó tìm nhân công.

Tây Nguyên hiện có hơn 600.000 ha cà phê, trong đó Gia Lai có gần 100.000 ha, xếp thứ 3 khu vực. Là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh Gia Lai, gần 88.000 ha cà phê tập trung ở huyện Chư Prông, Ia Grai, Đăk Đoa, Mang Yang và Chư Sê… đạt sản lượng 254.440 tấn trên năm.

Năm nay do dịch bệnh, các nhân công quê Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định... không lên Gia Lai đông như mọi năm. Người hái cà phê chủ yếu là lao động tại địa phương.

Sáng sớm cuối tháng 11, 8 nhân công hái cà phê mang thức ăn, nước uống đi đến vườn cà phê của ông Phạm Xuân Hòa, ở xã Ia Sao, huyện Ia Grai để tiếp tục công việc. Mỗi hàng hai người, họ kéo hai tấm bạt xung quanh gốc để lúc hái cà phê không bị rơi vãi ra ngoài.

"Tôi liên hệ khắp nơi mới thuê được 8 lao động ở huyện Krông Pa", ông Hòa nói và cho biết, trước khi vào vườn hái, họ phải có chứng nhận tiêm mũi một Covid-19, đồng thời phải đăng ký, khai báo y tế tại địa phương.

Nửa tháng trước, chị Nay Rin Đa, 25 tuổi, ở huyện Krông Pa cùng chồng làm xong rẫy mì của gia đình. Cả hai định chạy xe máy hơn 150 km lên huyện Ia Grai để hái cà phê, song vì lúc ấy tình hình dịch bệnh ở Gia Lai đang phức tạp, trong khi các chủ vườn yêu cầu nhân công phải tiêm vaccine Covid-19 mũi một.

Sau khi tiêm vaccine, vợ chồng chị Đa rủ thêm 6 người ở gần nhà thuê ôtô lên hái cà phê cho vườn nhà ông Hòa. Đây là ngày thứ 4 họ làm việc.

Mỗi ngày vợ chồng chị hái 600-700 kg, cứ 100 kg được chủ vườn trả 100.000 đồng. "Mấy vụ mùa trước có lên đây hái cà phê, nhưng năm nay gặp nhiều khó khăn về xe cộ, khai báo y tế...", chị Đa nói và cho biết, họ quyết định làm đến Noel rồi mới về nhà.

Cây nhiều trái, hai người hái mất 5-10 phút. Sau khi hái xong một cây, họ tiếp tục kéo tấm bạt chứa hạt cà phê đến cây kế tiếp.

Kết thúc một hàng, các lao động nhặt sạch lá và rác, sau đó cho vào bao. Mỗi bao khoảng 40 kg.

Nay Ó (trái), 27 tuổi, lần đầu đi hái cà phê còn chật vật, trải bạt không kỹ nên hạt cà phê vương vãi ra đất, mất thời gian nhặt. "Bây giờ thì hai đứa em hái nhanh nhất nhóm, mỗi ngày 8 tạ", Ó khoe.

Khu vườn ông Hòa rộng 2,5 ha, với hơn 2.500 gốc cà phê trồng từ năm 1995. Ông Hòa ước năm nay cả vườn đạt 10 tấn hạt, bán với giá 40.000 đồng một kg thì gia đình thu khoảng 400 triệu đồng. Trừ chi phí chăm sóc, ông lãi được 200 triệu đồng.

Dự kiến khoảng một tuần nữa vườn cà phê của ông Hòa mới thu hoạch xong. "Vụ trước tôi thuê được 30 lao động, chỉ 2 ngày đã hái xong. Việc thu hoạch kéo dài khiến trái chín rục, mất kg", ông Hòa nói.

Bữa trưa của nhóm lao động chỉ có cơm với canh đu đủ. Họ bảo cố gắng tiết kiệm để dành dụm tiền lo cho con cái và mua sắm Tết.

Sau khi ăn xong, cả nhóm tranh thủ nghỉ ngơi 15-20 phút ngay dưới gốc cà phê. Buổi tối họ ăn nghỉ ở miễn phí trong các lán trại của chủ vườn.

Chị Nay Rin Đa ghi chép lại sản lượng cà phê hái được của cả nhóm và các chi phí ăn uống trong thời gian làm thuê.

Ông Phạm Xuân Hòa, chủ vườn mua gạo, gia vị, nước uống cho nhân công. Những chi phí này sau khi thu hoạch xong sẽ trừ vào tiền công.

Sau khi cân xong, cà phê được bốc lên xe công nông chở đến địa điểm phơi.

Những hộ có diện tích và sản lượng lớn, sau khi thu hoạch chủ vườn sẽ bán tươi hoặc gửi cho các cơ sở thu mua nông sản phơi theo tỷ lệ (cứ 4,7 kg tươi sẽ được một kg nhân).

Bà Phạm Thị Thu Hằng, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Ia Grai cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhân công thu hoạch cà phê trên địa bàn năm nay thiếu gần 5.000 người. "Số lao động từ các tỉnh phía Nam về chủ yếu phục vụ cho vườn của họ", bà Hằng nói.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến giữa tháng 11, có 44.160 lao động từ các tỉnh trở về địa phương, trong đó lao động tự do (không có hợp đồng lao động) chiếm khoảng 40%.

Để hỗ trợ cho người lao động từ các tỉnh trở về địa phương, Sở đang phối hợp với các địa phương rà soát, nắm danh sách các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ dân có nhu cầu về nhân công lao động thu hoạch nông sản trên địa bàn tỉnh gửi Trung tâm Dịch vụ việc làm để giới thiệu, giải quyết.

Trần Hóa