Trời đã sang đông, phố giăng mắc một màu bảng lãng trong hương hoa sữa ngạt ngào. Những cây thông mùa Giáng sinh, những hộp quả đủ màu sắc, ông già Noel và những chú tuần lộc đỏ rực khắp những cửa hàng, khách sạn, nhà thờ. Người người hối hả, tất bật cho những ngày cuối cùng của năm. Tôi cũng đi giữa dòng người ấy, những cơn mưa rả rích không ngừng, gió heo may đùa giỡn làn tóc rối.
Bên đường, bếp lửa của cô bán bánh mì không thôi ngừng tỏa khói. Nhìn ánh lửa bập bùng, tôi trào lên bao nỗi nhớ. Tôi nhớ nhà, nhớ dáng ba tất tả cày đất trong gió rét căm căm. Tôi nhớ nhà, nhớ dáng mẹ hao gầy trong những cơn mưa đổ.
Tôi nhớ, nhớ lắm dù nơi ấy không điện đường, không xi măng, gạch đá, không có những con đường rải nhựa phẳng lì như phố, cũng chẳng có những cửa hàng rực rỡ, xa hoa, đèn điện sáng trưng, không có những công viên đầy người, không ồn ào xe cộ. Nơi ấy, có ngôi nhà nằm lọt thỏm giữa vườn cây, có tiếng gà quang quác, tiếng chó sủa râm ran, tiếng đàn dế dạo khúc đàn đêm. Và những đêm trời quang, mây tạnh là bầu trời đêm rực rỡ đầy sao, mảnh trăng đầu tháng treo lưng chừng đỉnh núi, sương giăng trong trẻo vương vấn trên áo người thương.
Nơi ấy có những ngày bé dại chăn trâu giữa đồng, rét cắt da cắt thịt, tái trong manh áo mỏng. Cả đám con nít rủ nhau đi nhổ sắn, đào khoai, bẻ bắp rồi đem về thổi lửa nướng lên, mặt mũi đứa nào đứa nấy tèm nhem vì khói. Chỉ là những củ khoai nướng, thế nhưng sao thấy ấm áp đến lạ. Ngày ấy, khi những đêm đông đến, chúng tôi cho chân vào những cái bao vải bố, vốn được dùng để đựng thóc, đựng bắp, vì không có chăn ấm như bây giờ. Có những hôm lạnh quá, không ngủ được ông tôi dậy từ 3, 4 giờ sáng nhen bếp lửa ngồi sưởi, vùi trong đó vài củ sắn, những thanh củi tí tách, mùi sắn nướng cứ vẩn vơ đi vào giấc mơ...
Nơi ấy có bố mẹ tôi tảo tần với ruộng với vườn để kiếm tiền nuôi chị em tôi đi học. Nơi ấy có những ngày nắng cháy, bố mẹ tôi và bao người đổ mồ hôi trên những cánh đồng và bao lần chạy đua với cơn mưa giông bất chợt để phơi thóc, phơi rạ. Nơi ấy có những ngày ba tôi dầm mưa, đi rừng hái củi về bán cho người ta. Nơi ấy có những ngày, mẹ tôi vừa một buổi đi dạy, một buổi đốt than.
Nơi ấy có những mùa bão về, vườn ổi bố tôi trồng đang độ cho quả, gió xiêu vẹo gốc, hết bão cũng là lúc ổi chết sạch. Rồi những gốc chuối chỉ chờ ngày thu hoạch gãy ngang, từng buồng chuối xanh dập nát. Rừng tràm dẻo dai là thế, cũng chẳng đủ sức chống lại thiên nhiên dữ tợn. Nơi ấy, chỉ cần vài trận mưa rào, đất đai trơ ra chỉ toàn là sỏi đá.
Nơi ấy có những ngày, cả nhà tôi, quây quần bên mâm cơm chỉ độc món muối vừng và rau muống luộc. Món rau muống ấy, mẹ tôi bữa thì đem xào, bữa thì đem luộc, bữa thì nấu canh để cho đỡ ngán. Tôi vẫn nhớ mãi câu nói của cô em gái bé bỏng “Muối thì muối, ăn cho no ruột là được”.
Nơi ấy có những ngày, chờ mưa về, nước dâng lên, chúng tôi ra mấy con kênh để bắt cá. Bữa nào bắt được con cá, gìn giữ, nâng niu như nâng một thứ gì đó cực kỳ quý giá đem về, khi kho cá, mẹ cho thật nhiều muối để ăn được lâu. Cô em tôi nhìn nồi cá kho, vừa nhìn vừa chép miệng, đến khi ăn, chỉ dám gắp từng xíu nhỏ và nhai thật chậm vì sợ hết.Có những ngày, chị em tôi dắt nhau đi học trên những con đường bùn đất, đến được trường cũng là khi bùn đất dính đầy người…
Cuộc sống nơi ấy khắc nghiệt là thế nên những đứa như tôi, đều cố gắng học hành vừa không phụ lòng ba mẹ, vừa để tìm kiếm một cơ hội để có thể tìm kiếm một miền đất mới, hy vọng không quá khổ như quê tôi để lập nghiệp. Một năm về nhà được đôi lần vào những ngày Tết. Thế nhưng có những năm, khó khăn quá, chẳng đủ tiền để mua vé về quê, chúng tôi ở lại ăn Tết nơi đất khách. Chúng tôi mệt nhoài trong những giờ làm thêm, chẳng còn thời gian để kịp nghĩ ngợi, bởi Tết là thời gian được trả lương cao nhất.
Nhưng cũng có những khi, nghẹn ngào khi nhìn gia đình người ta tay trong tay, cười đùa vui vẻ, người ta hỏi tôi “sao không về quê ăn Tết đi con”. Những lần ấy, cô chủ nhà trọ thì cho chúng tôi thêm vài cái bánh chưng. Xóm trọ cũng có một vài đứa xa quê ở lại, chúng tôi cùng nhau chung tiền lại, mua vài bông hoa và một ít kẹo để có không khí Tết. Khi lớn lên, vì cuộc sống mưu sinh mà càng đi xa dần, xa dần căn nhà nhỏ bé.
Đôi khi đi xa lâu quá, lại thèm da diết bầu trời đầy sao, thèm hít hà mùi lúa chín, thèm tắm đôi mắt bằng một màu xanh thẳm của những cánh rừng. Và đôi khi giữa một miền đất mới, giữa phố xá chỉ toàn người lạ, tôi lại thèm một giọng nói, một gương mặt thân quen của nơi chôn rau cắt rốn. Trong cuộc hành trình đi tìm tương lai, đi tìm chốn để dừng chân, mong mỏi tìm kiếm được một công việc ổn định nơi xứ người, đôi khi những lo toan của cuộc sống cứ cuốn ta đi. Có khi cứ mải miết đi tìm kiếm một đời những thứ không thuộc về mình, mà tôi đã quên mất những giá trị hiện hữu bên cạnh, quên mất quê nhà cha mẹ chỉ chờ đợi những ngày Tết để cả nhà cùng đoàn viên, quên đi ánh mắt hao gầy của mẹ vẫn móng trông những đoàn tàu cất bánh. Tôi đã quên đi mong muốn đơn giản của cha mẹ, chỉ là cùng chúng tôi ăn một bữa cơm, dù đạm bạc nhưng mà ấm cúng.
Những ngày cuối năm, khi mùa đông về, trong cái lạnh buốt giá, con người lại thấy trong mình quá nhiều cảm xúc, quá nhiều nỗi nhớ. Nhận được cuộc điện thoại, nghe mẹ ngập ngừng hỏi “Tết này con có về được không con?", tôi chỉ muốn được về nhà ngay và ôm chầm lấy mẹ... "Con sẽ về, sẽ về mẹ ạ".
Cao Nguyễn Hồng Phượng
Cuộc thi “Thời khắc yêu thương” do Công ty TNHH Sapporo Việt Nam phối hợp với VnExpress thực hiện. Đây là nơi để bạn chia sẻ những kế hoạch, dự định ý nghĩa đến người mà bạn mong muốn gửi lời tri ân, yêu thương và cùng họ trải qua những thời khắc cuối cùng của năm. Chương trình kéo dài từ ngày 26/11 đến ngày 23/12 trên trang Đời sống, báo VnExpress. Độc giả gửi bài tham dự tại đây. |