Thứ tư, 25/12/2024
Thứ tư, 29/1/2020, 02:08 (GMT+7)

Múa sư tử mèo ngày Tết

Lạng SơnĐiệu múa thường tổ chức vào Tết Nguyên đán và các ngày lễ của người Tày, Nùng, với linh vật được gọi theo cách dân dã là “sư tử mèo”.

Múa sư tử mèo là phong tục truyền thống của người Tày, Nùng tại các huyện Cao Lộc, Lộc Bình, Văn Lãng, Văn Quan, Bình Gia và Tràng Định. Hoạt động này thường được biểu diễn vào mùng 1, mùng 2 Tết Nguyên đán và một số dịp đặc biệt như ngày hội xuống đồng, Trung thu, lễ khởi công, vào nhà mới...

Trong tiếng dân tộc Nùng, sư tử mèo là “kỳ lằn”, tức kỳ lân - một trong Tứ linh: long, lân (kỳ lân), quy, phụng (phụng hoàng). Cái tên sư tử mèo là cách gọi dân dã của người địa phương với con vật thần thoại. 

Mỗi đội múa sư tử mèo có khoảng 8 - 16 người, gồm người múa cầm đầu sư tử và các thành viên đeo mặt nạ đười ươi (báo đông), mặt khỉ (nả lình), cầm trên tay binh khí như đinh ba chạc, đoản đao (pàn tao), kiếm.

Theo anh Nguyễn Sơn Tùng (Lạng Sơn), tác giả bộ ảnh, tục múa sư tử ban đầu chỉ có ở người Nùng (gồm Nùng Phàn Slình và Nùng Cháo). Sau này, người Tày và Nùng sống xen lẫn với nhau, trải qua quá trình giao lưu văn hóa và nghi thức này được tiếp thu.

Múa sư tử có động tác cơ bản là xuống tấn, đi đường, chào và kính bái các ngôi miếu, gian thờ. Tùy không gian, địa điểm và yêu cầu, múa sư tử mèo có nhiều nghi thức, điệu múa và các trò diễn cho phù hợp. 

Các thành viên đang diễn lại một đoạn nói về cội nguồn phong tục múa sư tử mèo. Hoạt động này mang nhiều ý nghĩa, thể hiện tinh thần thượng võ của người vùng cao, vừa là biểu tượng của may mắn và hạnh phúc trong cuộc sống. Nhiều gia đình tại đây còn mời các đội biểu diễn vào nhà múa để cầu may mắn, bình an.

Điệu múa nhằm mục đích xua đi những điều xấu nên khuôn mặt mèo càng dữ tợn càng tốt, điệu võ càng mạnh mẽ càng hay. Theo anh Tùng, để làm một chiếc đầu sư tử mèo thường mất hơn một tuần. 

Ban đầu, đất thó (loại đất sét trắng ở giữa sông) được mang về giã, ngâm nước tới khi mịn và quánh. Bước tiếp theo là nặn đầu sư tử theo đúng nguyên mẫu, đồng thời sáng tạo thêm một số hình dạng sao cho đẹp mắt. Sau khi đất se khô thì dán giấy bồi, sơn, vẽ màu lên các hình thù của sư tử. Cuối cùng là gắn vải nhiều màu sắc, bông, lông vào đầu và đuôi con sư tử với những dải vải đỏ.

Các thành viên thực hiện bài múa võ miệng ngậm dây đỏ, dùng điệu nhảy để tiến tới con sư tử rồi thắt sợi dây vào miệng linh vật. Múa sư tử mèo được cho là không khó, nhưng yêu cầu nhanh nhẹn, đủ sức khỏe để biểu diễn những động tác nhào lộn, nhảy cao hay trồng cây chuối.

Động tác buộc dây đỏ “ka hòng” vào miệng sư tử mèo, được coi như một cách "trả công" cho linh vật. 

Nếu biểu diễn trong nhà để chúc mừng năm mới, sư tử sẽ được chủ nhà tặng lì xì, rượu và mảnh vải "ka hòng". Sư tử đi mọi nhà, không phân biệt giàu nghèo. Tiền lì xì chủ yếu mang yếu tố văn hóa, tượng trưng thay vì đặt nặng kinh tế, chỉ từ vài chục nghìn đồng. 

Trên địa bàn xã Hải Yến, huyện Cao Lộc, múa sư tử đã được đưa vào nội dung hoạt động ngoại khóa tại trường trung học cơ sở xã. Tại huyện Văn Lãng và Bình Gia, việc truyền dạy biểu diễn loại hình này đã thu hút nhiều thanh niên tham gia luyện tập. 

Với những giá trị văn hóa truyền thống, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận Múa sư tử của người Tày, Nùng ở Lạng Sơn là loại hình di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2017. Ngành du lịch tỉnh Lạng Sơn cũng đưa loại hình này trở thành một sản phẩm văn hóa giới thiệu tới du khách, làm phong phú thêm hành trình tham quan tại xứ Lạng dịp đầu năm.

Huỳnh Phương

Ảnh: Nguyễn Sơn Tùng

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net