Làm việc với Bộ Y tế sáng 9/2, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định trách nhiệm ban hành các hướng dẫn đấu thầu, mua sắm thuốc là của Bộ Y tế. Bộ cần tập hợp ý kiến địa phương, cơ sở y tế, giải quyết các vướng mắc trong nghị định, thông tư đang sửa đổi. Vấn đề cấp bách cần nghiên cứu phương án một luật sửa nhiều luật hoặc một nghị định sửa nhiều nghị định.
Theo ông Hà, các chính sách y tế sau Covid-19 bộc lộ nhiều hạn chế, cần đổi mới. Lĩnh vực y tế dự phòng phải năng động, sáng tạo, chống chịu tốt với dịch bệnh. Bộ Y tế cần phối hợp với các đơn vị xây dựng chính sách cốt lõi, đặc thù cho ngành, tạo gắn kết giữa y tế công lập và tư nhân, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào chăm sóc sức khỏe.
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà phân tích, "bão" Covid-19 đi qua, nhiều cơ chế với ngành y đã bộc lộ hạn chế. Mô hình tự chủ bệnh viện vốn là điểm sáng nay đối mặt nhiều khó khăn, thậm chí không còn phù hợp. Đấu thầu thuốc, thiết bị y tế, xã hội hóa bệnh viện công đều "nảy sinh những vấn đề không lường trước được".
Ông Hà đề nghị Bộ Y tế tổng kết toàn diện các mô hình đã có, cả thành công và bài học kinh nghiệm để tiếp tục triển khai. Tinh thần là tự chủ bệnh viện phải đảm bảo bình đẳng giữa những người bệnh khi sử dụng dịch y tế được bảo hiểm y tế chi trả và khám chữa bệnh theo yêu cầu; bảo đảm thu nhập của y bác sĩ; phù hợp với quy luật thị trường. Bộ Y tế nên thúc đẩy tự chủ bệnh viện mức độ cao tại đô thị và nơi có điều kiện kinh tế, để dành nguồn lực cho nơi khó khăn.
Phó thủ tướng cũng yêu cầu tính toán khả thi trong dự án xây dựng cơ sở hai Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức tại Hà Nam chứ không chỉ làm "đúng quy trình, hết trách nhiệm".
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Bộ chịu trách nhiệm đảm bảo nguồn cung đủ thuốc (nhập khẩu và sản xuất trong nước) thông qua cấp gia hạn, thay đổi, bổ sung, thu hồi giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc.
Năm 2022, Bộ Y tế công bố danh mục hơn 10.400 thuốc hết hiệu lực đăng ký lưu hành, được tiếp tục gia hạn đến cuối năm; cấp, gia hạn cho 2.800 thuốc, nguyên liệu làm thuốc. Hiện 22.000 thuốc còn hiệu lực lưu hành với 900 hoạt chất các loại. Vì vậy, nguồn cung thuốc "cơ bản được đảm bảo".
Đấu thầu thuốc được thực hiện ở ba cấp. Ở trung ương, Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia đã tổ chức đấu thầu, đàm phán giá (50 danh mục đấu thầu tập trung quốc gia, 27 danh mục thuốc điều trị HIV/AIDS, 701 thuốc danh mục đàm phán giá); năm 2021-2022 đã mua sắm danh mục 50 thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia và 69 thuốc biệt dược gốc theo hình thức đàm phán giá. Tại địa phương, việc đấu thầu tập trung do đơn vị mua thuốc tập trung cấp địa phương thực hiện (129 danh mục). Các bệnh viện tự mua sắm thuốc còn lại.
Tuy nhiên, ông Tuyên cho biết việc cấp phép đăng ký, nhập khẩu, kinh doanh dược gặp khó khăn do trình tự, thủ tục gia hạn đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc quy định "cứng" trong Luật Dược. Trong khi đó, quy định quản lý dược nhiều nước đã thay đổi, nhất là giai đoạn Covid-19.
Số hồ sơ yêu cầu gia hạn ngày càng tăng; nhân lực quản lý và thực hiện việc này tại Bộ Y tế còn thiếu; chất lượng hồ sơ do doanh nghiệp nộp chưa cao; mức phí chi trả cho chuyên gia thẩm định thấp, trong khi yêu cầu phải có chuyên môn cao, trách nhiệm lớn, rủi ro pháp lý nên chưa khuyến khích họ tham gia.
"Chi phí đầu vào gia tăng dẫn đến giá một số loại thuốc tăng, trong khi theo quy định, giá kế hoạch được tham khảo kết quả trúng thầu trước đó, trong vòng 12 tháng, nên có hiện tượng nhà thầu không tham gia đấu thầu, bỏ thầu", ông Tuyên nêu thực trạng.