Người tiêu dùng Mỹ đã chi 35,4 tỷ USD cho mua sắm trực tuyến trong khoảng 5 ngày kéo dài từ cuối tuần trước đến đầu tuần này, theo Adobe Analytics. Adobe Analytics là công cụ đo lường thương mại điện tử bằng cách phân tích giao dịch tại các trang web. Đơn vị này có quyền truy cập vào dữ liệu mua hàng của 85% trong số 100 nhà bán lẻ trực tuyến hàng đầu tại Mỹ.
Trong đó, đợt bán hàng khuyến mãi Cyber Monday vào thứ hai (28/11) mang về doanh số cao nhất, với kỷ lục 11,3 tỷ USD, tăng 5,3% so với năm ngoái. Black Friday đạt 9,12 tỷ USD, tăng 2,3%. Doanh thu online dịp Lễ Tạ ơn vào 24/11 đạt 5,3 tỷ USD; hai ngày thứ bảy và chủ nhật (26-27/11) thu được 9,6 tỷ USD.
Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia Mỹ cho biết người mua hàng đã chi trung bình khoảng 325 USD cho mua sắm đợt này, cao hơn mức trung bình của năm ngoái là 301 USD.
Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý rằng các số liệu này không được điều chỉnh theo lạm phát, vốn đã dao động ở mức cao trong nhiều thập kỷ. Điều đó cho thấy người tiêu dùng có thể tốn nhiều tiền hơn nhưng mua được ít hơn.
"Nếu lạm phát tăng 8% và doanh số bán hàng tăng 5% hoặc hơn, thì không nghi ngờ gì rằng mọi người chắc chắn sẽ mua được ít hơn", Sucharita Kodali, Chuyên gia phân tích của Forrester, cho biết. Bà cho biết nếu không có doanh số tại cửa hàng bán trực tiếp thì khó để nhìn một bức tranh toàn cảnh.
Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia Mỹ cho biết có 130 triệu người đã mua sắm trực tuyến vào cuối tuần qua, mức tăng khiêm tốn so với 128 triệu của năm ngoái. Theo Adobe Analytics, nhiều người hơn bao giờ hết đã mua sắm qua điện thoại trong năm nay, chiếm 55% doanh số bán hàng trực tuyến.
Với mua sắm trực tiếp, công ty phân tích Placer.ai cho biết lượt người đến các trung tâm mua sắm trong nhà vào ngày Black Friday năm nay đã giảm 2,3% so với 2021, các trung tâm hàng outlet (bán hàng tồn kho, lỗi mốt) giảm 3,9% và các trung tâm phong cách sống ngoài trời giảm 0,5%.
Tuy nhiên, vẫn có một số tin vui cho các nhà bán lẻ. Nhiều người Mỹ dường như đang mở hầu bao và tìm kiếm sản phẩm trước khi mùa tặng quà cao điểm đến. Theo Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia, tổng lượt người mua sắm vào cuối tuần qua đạt kỷ lục 196,7 triệu. Matthew Shay, Chủ tịch kiêm CEO của Liên đoàn, cho biết con số này vượt kỷ lục cũ hơn 30 triệu.
"Black Friday là ngày trọng đại và tiếp tục là tín hiệu rất quan trọng đối với tâm lý người tiêu dùng cũng như sức mạnh của nền kinh tế", Shay nói. Theo ông, những con số kỷ lục phản ánh sự nhiệt tình đầy hứa hẹn từ những người mua sắm.
Những người mua sắm cũng đã hiểu biết hơn. Họ tìm kiếm các giao dịch, so sánh giá và tận dụng các dịch vụ mua trước trả sau. Dữ liệu giao dịch từ Afterpay từ Black Friday đến Cyber Monday cho thấy mức tăng trưởng 120% so với năm ngoái. Adobe Analytics đã báo cáo trong 5 ngày lễ hội khuyến mãi, lượng mua sắm đã tăng 85% so với tuần trước.
Theo Phil Rist, Phó chủ tịch điều hành chiến lược của Prosper Insights and Analytics, các mặt hàng được mua nhất là quần áo, đồ chơi, thẻ quà tặng, đồ điện tử và phương tiện truyền thông, bao gồm cả sách và trò chơi điện tử.
Liên đoàn Bán lẻ dự đoán rằng doanh số bán hàng trong kỳ nghỉ lễ từ 1/11 đến ngày 31/12 năm nay sẽ tăng từ 6% đến 8% so với năm ngoái, lên từ 942,6 tỷ đến 960,4 tỷ USD. Một phần của sự gia tăng sẽ đến từ lạm phát cao gần bốn thập kỷ.
Washington Post cho rằng, khó có khả năng các nhà bán lẻ sẽ chứng kiến mức tăng trưởng mua sắm tương tự như trong hai mùa giảm giá cuối năm trước. Giờ đây, lạm phát đang đè nặng lên chi tiêu của các gia đình và thị trường chứng khoán hỗn loạn ảnh hưởng đến ngân sách một số người.
Niềm tin của người tiêu dùng trượt dốc vào tháng 11, đạt mức thấp nhất trong 4 tháng. Conference Board - đơn vị công bố báo cáo chỉ số tiêu dùng, cho biết lạm phát và lãi suất tăng là những mối đe dọa hàng đầu với niềm tin của người tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế.
Và khi mùa mua sắm lễ hội đang đến gần, các nhà bán lẻ phải đối mặt với nguy cơ căng thẳng trở lại của chuỗi cung ứng. Shay cho biết mối đe dọa về một cuộc đình công đường sắt sắp xảy ra đang làm dấy lên lo ngại các chuyến tàu chở hàng bị dừng hoạt động, có thể "có tác động lan tỏa đến toàn bộ nền kinh tế".
"Bất kỳ sự chậm lại, ngừng hoạt động và trì hoãn nào... sẽ gây áp lực lên các trung tâm phân phối khác, vốn đang cố gắng phục hồi sau đại dịch", Shay đánh giá.
Phiên An (theo Washington Post, CNBC)