Theo quy định về khái niệm hàng giả tại điểm a, khoản 7 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020: hàng giả được định nghĩa là "hàng hóa có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng hoặc có giá trị sử dụng, công dụng không đúng so với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký".
Theo quy định trên và theo thông tin bạn cung cấp, sản phẩm thuốc bột giảm cân bạn mua, là hàng giả.
Pháp luật quy định, cả người sản xuất và người buôn bán hàng giả, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, đều có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về xử lý hành chính: Theo Nghị định 98/2020/NĐ-CP
- Hành vi buôn bán hàng giả: Tùy giá trị hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc khoản tiền thu lợi bất hợp pháp, mức phạt tiền 1-140 triệu đồng
- Hành vi sản xuất hàng giả: Tùy giá trị hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc khoản tiền thu lợi bất hợp pháp, mức phạt tiền 5-200 triệu đồng.
Ngoài ra, người vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như: Tịch thu hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm; tịch thu phương tiện là công cụ, máy móc được sử dụng để sản xuất hàng giả, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm ...
Truy cứu trách nhiệm hình sự:
Điều 193 Bộ luật Hình sự quy định về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm.
-Mức phạt tù với cá nhân phạm tội từ 2 năm đến tối đa là tù chung thân, tùy tính chất, mức độ của hành vi phạm tội.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt 20-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm, hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
- Đối với pháp nhân thương mại phạm tội, bị phạt tiền 1-18 tỷ đồng; có thể bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn; phạt bổ sung 100-300 triệu đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn 1-3 năm.
Trong trường hợp mua phải hàng giả, người tiêu dùng có thể khiếu nại tới những cơ quan có chức năng đấu tranh chống hàng giả, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như Chi cục quản lý thị trường của địa phương; Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm địa phương; Thanh tra Cục cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng hoặc Hiệp hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Người tiêu dùng cũng có thể gửi đơn tố cáo đến cơ quan công an đối với hành vi sản xuất, mua bán hàng giả để xử lý theo quy định của pháp luật hoặc khởi kiện tại tòa án nếu có căn cứ chứng minh hàng giả gây thiệt hại cho bản thân và gia đình.
Luật sư Phạm Thanh Bình
Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội