Với vấn đề của chị Cúc, luật sư Nguyễn Đại Hải (công ty luật TNHH Fanci) khẳng định, khi phát hiện sản phẩm mình đang sử dụng chất lượng kém, giá trị của sản phẩm đó cao hơn rất nhiều so với giá trị thực, chị Cúc có quyền kiện toàn bộ những người hưởng lợi từ sản phẩm đó và có liên quan trực tiếp. Cụ thể gồm: người sản xuất, người kinh doanh, người quảng cáo. Những người này phải liên đới chịu trách nhiệm khi thiệt hại xảy ra.
Về trách nhiệm của người quảng cáo với chất lượng và tính pháp lý của sản phẩm mình quảng cáo
Luật sư Hải cho hay, khi đơn vị kinh doanh thuê nghệ sĩ hay người nổi tiếng để quảng cáo cho sản phẩm của mình thông qua hợp đồng quảng cáo, những người này sẽ được trả tiền hoặc có thể được hưởng % từ sản phẩm bán được thông qua đoạn quảng cáo. "Về bản chất, nghệ sĩ quảng cáo cũng là một "nhân viên sale" của đơn vị kinh doanh", luật sư Hải đánh giá.
Điều 20 Luật Quảng cáo quy định, quảng cáo về hoạt động kinh doanh dịch vụ, hàng hoá phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Hoạt động này phải có tài liệu chứng minh hợp chuẩn, hợp quy của sản phẩm, một số sản phẩm khác phải có giấy phép lưu hành, giấy công bố sản phẩm...
Vì vậy, khi quảng cáo, người quảng cáo phải am hiểu về sản phẩm, công dụng, lợi ích đến đâu, hiểu rõ sản phẩm có được cấp phép lưu hành, có thuộc danh mục sản phẩm cấm quảng cáo không.
"Dù là người nổi tiếng hay bất kỳ cá nhân nào, khi thực việc việc quảng cáo phải có sự am hiểu sơ bộ về pháp luật liên quan đến quảng cáo", luật sư đánh giá.
Người quảng cáo sẽ phải chịu trách nhiệm liên đới khi bị kiện, bị khiếu nại hoặc bị tố cáo hình sự.
Cụ thể, Điều 8 Luật Quảng cáo cũng đã quy định về những hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo.
Người quảng cáo vi phạm sẽ liên đới bị xử phạt hành chính với mức phạt lên đến 80 triệu đồng quy định tại khoản 5 điều 34 Nghị định 38/2021 ngày 29/3/2021.
Ngoài ra, người quảng cáo cũng có thể bị đánh giá là đồng phạm trong vụ án hình sự nếu có dấu hiệu tội Lừa đảo chiếm chiếm đoạt tài sản, thông qua việc cung cấp thông tin gian dối đến khách hàng.
Lời khuyên cho độc giả
Luật sư Hải phân tích, hiện việc cắt ghép hình ảnh quảng cáo để đánh lừa người tiêu dùng rất phổ biến. Hình thức của việc quảng cáo cũng rất nhiều: quảng cáo trên các web, truyền hình, báo chí, qua facebook, và các nền tảng mạng xã hội khác. Do đó, việc kiểm soát hoạt động này gây nhiều khó khăn cho các nhà quản lý.
Mỗi người tiêu dùng phải thận trong và tìm hiểu thật kỹ thông tin sản phẩm trước khi quyết định mua sử dụng.
Người kinh doanh sử dụng nghệ sĩ, người nổi tiếng quảng cáo là cách tiếp tiếp thị sản phẩm đến người tiêu dùng mục đích là để tạo niềm tin, mức ảnh hưởng rộng. Song chất lượng sản phẩm thì không phụ thuộc vào lời quảng cáo mà phải dựa việc kiểm tra, kiểm nhiệm của cơ quan chuyên môn, cấp phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
"Không nên tin 100% vào lời quảng cáo dù người quảng cáo có là nghệ sĩ nổi tiếng", luật sư nêu. Thay vào đó, độc giả cần căn cứ thực tế là các chứng từ thể hiện nguồn gốc, xuất xứ, chứng nhận công dụng, chứng nhận của nhà nước. Trước khi mua sản phẩm, bạn phải xem đầy đủ giấy tờ chứng nhận của sản phẩm.
Ngoài ra, giữa khách hàng và đơn vị kinh doanh phải có những thoả thuận, cam kết bằng văn bản về chất lượng sản phẩm và cam kết chịu trách nhiệm nếu thông tin sản phẩm sai sự thật. Điều này nhằm đảm bảo, khi phát sinh vấn đề, sản phẩm không như quảng cáo, khách hàng có thể khởi kiện để bảo vệ quyền lợi.
Hải Thư