Những xe có hàng giao ngay bao gồm Hyundai i10, Accent, Santa Fe, Toyota Vios, Mítusbishi Xpander, Honda CR-V, City và CX-5. Riêng bản City RS phải chờ. Một điểm chung là các mẫu xe này đều lắp ráp trong nước, chỉ Xpander duy trì cả lắp và nhập. Nhờ đó, các dòng xe đều có sẵn màu, phiên bản cho khách lựa chọn mà không cần chờ. Thực tế, vẫn có những lúc các mẫu xe này khan hàng, nhưng quãng thời gian không lâu, thường rơi vào lúc xe mới ra, nhu cầu của khách ồ ạt.
Trong khi đó, một số xe bán chạy hiện vẫn khiến khách phải chờ hàng, cụ thể như sau:
Mẫu xe | Thời gian chờ dự kiến | Nguồn gốc |
VinFast Fadil | 2 tháng | Sản xuất |
Kia Seltos | 1-2 tháng | Lắp ráp |
Ford Ranger | Tùy màu và phiên bản | Nhập khẩu |
Toyota Corolla Cross | 3-4 tháng | Nhập khẩu |
Kia Cerato | Tùy màu và khu vực | Lắp ráp |
Các xe chậm giao bởi nguồn cung không đảm bảo tương ứng với lượng cầu. Với xe nhập khẩu, do ảnh hưởng của Covid-19 khiến việc sản xuất ở nhà máy nước ngoài đình trệ, đồng thời vận tải cũng khó khăn hơn.
Trong khi đó, xe lắp ráp thiếu cung xuất phát từ một vài yếu tố như số lượng đơn hàng vượt quá năng lực sản xuất, thiếu linh kiện để lắp ráp. Ví như VinFast Fadil, trong tháng 10-12/2020 hãng xe Việt nhận số đơn hàng vượt gấp đôi lượng sản xuất. Kia Seltos lại chậm cung vì nguồn linh kiện thiếu, sản xuất bị ảnh hưởng.
Một nguyên nhân ít gặp, không xuất phát từ nguồn cung, mà do chính sách bán hàng của các hãng. Ví dụ, một khách ở Bắc Giang mua xe Kia nhưng không có màu mong muốn, anh phải chờ. Nhưng ngay khi đó, các đại lý tại Hà Nội sẵn xe để giao cũng không thể bán cho khách ở Bắc Giang. Bởi lẽ, chính sách của Thaco là bán phân vùng (không có phép bán đại lý khu vực này bán cho khách ở chỗ khác).
Lần gần nhất thị trường chứng kiến nhiều mẫu xe cùng khiến khách hàng phải chờ đợi khi mua là năm 2018, lúc xe nhập khẩu không thể về nước vì gặp rào cản Nghị định 116. Phải tới cuối 2018, sang 2019, khi các hãng lo đầy đủ giấy tờ như quy định, nguồn cung mới dần dồi dào trở lại.
Đoàn Dũng