Theo luật sư Bùi Phan Anh (Công ty Luật Sen Vàng), việc mua bán ôtô giữa chị Huyền và chủ cũ là thực hiện hợp đồng mua bán tài sản, được điều chỉnh bởi Bộ luật Dân sự. Điều 432 luật này quy định: "Chất lượng tài sản mua bán do các bên thỏa thuận".
Bên bán đã cam kết "không đâm đụng, còn zin" nên chị mới đồng ý mua. Hiện tại, chị phát hiện xe từng bị ngập nước, phải sửa chữa lớn và về lâu dài có thể ảnh hưởng chất lượng. Đây có thể coi là thiệt hại chị phải gánh chịu do "hành vi gian dối" của bên bán.
Điều 127 Bộ Luật dân sự quy định hợp đồng bị vô hiệu nếu một bên có hành vi lừa dối, cố ý nhằm "làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó".
Chị có quyền khởi kiện, đề nghị tòa án tuyên hợp đồng mua bán vô hiệu và các bên sẽ "khôi phục tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận", theo điều 131, Bộ luật Dân sự. Khi đó, chị sẽ trả lại toàn bộ tiền mua, còn bên bán nhận lại ôtô.
Thời hiệu yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu do hành vi bị lừa dối là 2 năm kể từ ngày "người bị lừa dối biết hoặc phải biết giao dịch của mình được xác lập do bị lừa dối". Do đó, việc chị sử dụng xe trong 2 tháng không làm ảnh hưởng tới quyền lợi của mình.
Luật sư khuyên, chị Huyền bước đầu nên thương lượng, yêu cầu chủ cũ trả toàn bộ tiền để nhận lại xe hoặc trả lại một phần tiền tương ứng chi phí nâng cấp, sửa chữa để chị chấp nhận tiếp tục sử dụng.
Nếu thất bại, chị khởi kiện tại tòa án nơi bị đơn cư trú, trường hợp này là ở Hải Phòng vì đây là nơi sinh sống của chủ cũ xe. Nếu chị ở Hà Nội, không tiện đi xa, có thể ủy quyền cho luật sư tham gia tố tụng.
Song Minh