Tôi là sinh viên mới ra trường và hiện đang làm tại một công ty sàn gỗ. Ước mơ sở hữu một chiếc môtô chắc không phải là mong muốn của riêng tôi, cũng như bao thanh niên khác.
Tháng 3/2014, Bộ Giao Thông Vận Tải đã sửa đổi và mở rộng đối tượng thi bằng lái A2, có lẽ đây sẽ là niềm vui với bao người bởi họ không còn phải khổ sở với tấm bằng A2 như trước. Điều này giúp người dân cũng như đất nước Việt Nam nhanh tiếp cận thị trường xe phân khối lớn.
Nhưng bên cạnh đó, cũng còn quá nhiều thứ đáng phải suy nghĩ.
Thứ nhất, khả năng đi xe phân khối lớn của người Việt. Một chiếc xe phân khối tầm trung ở Việt Nam giá chỉ ngang bằng chiếc xe SH, mà ta thấy rằng lượng xe SH ở các thành phố lớn không hề ít. Điều này chứng minh rằng người Việt dễ dàng tiếp cận được những chiếc xe môtô phân khối lớn.
Tuy nhiên, vấn đề này lại khác nhau rất nhiều khi một chiếc SH đi ngoài đường phố trở nên quá đỗi bình thường. Thay vào đó, một chiếc môtô hầm hố sẽ trở thành tâm điểm, gây chú ý và được mọi người tránh né dù chiếc xe đó đang đi nhanh hay chậm.
Với những chiếc xe phân khối lớn thường có trọng lượng khá nặng (có thể lên tới vài trăm kg tùy xe và chiều cao tối thiểu để có thể điều khiển, hầu hết các loại xe môtô là trên 1m65) đòi hỏi người điều khiển xe phải có thể lực tốt và chạy thuần thục để tránh sảy ra sự cố kĩ thuật khi đang chạy.
Thứ hai, ý thức của người Việt khi tham gia giao thông. Điều đáng buồn là hầu hết những người tham gia giao thông đều đã từng vi phạm vài lần, từ những lỗi nhỏ đến lỗi lớn như chạy quá tốc độ, chạy xe khi đã sử dụng rượu bia, quên đội mũ bảo hiểm hay vượt đèn đỏ, lấn tuyến…
Những chiếc xe môtô thường nhằm vào người dùng là thanh niên cá tính, đồng thời đây cũng là lứa tuổi gây tai nạn giao thông nhiều nhất năm 2013.
Thứ ba, điều kiện giao thông ở Việt Nam. Tại các thành phố lớn, vẫn là vấn đề quá tải giao thông, kẹt xe, còn các vùng thưa dân thì đường hư hỏng và góc cua nguy hiểm rất nhiều. Trong khi đó, chiếc môtô phân khối lớn chỉ cần vài giây là có thể đạt tới tốc độ 100km/h, tốc độ mà chưa đường giao thông nào ở Việt Nam cho phép. Hầu hết đường VN quy định xe máy chạy tốc độ tối đa 50, 60km/h. Vậy người đi mô tô bằng A2 liệu có thỏa mãn và đảm bảo sẽ không 'xé rào'?
Tôi cho rằng CSGT không nên đuổi theo người vi phạm nhẹ, để tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra. Khi truy đuổi, CSGT cũng là người gặp nguy hiểm nhiều nhất. Với những chiếc xe phân khối lớn thường có mã lực cao hơn, hầu hết xe chuyên dụng của CSGT đang sử dụng gặp rất nhiều khó khăn, kể cả khi không truy đuổi sẽ làm mất dần sức mạnh của pháp luật và có thể gây ra hậu quả đáng tiếc nhiều hơn.
Tại Việt Nam, không ít vụ xe điên hoặc môtô phân khối lớn gây tai nạn thảm khốc như nỗi hiểm họa cho người đi đường. Một chiếc môtô có thể đẩy bay vài chiếc xe thông thường vài chục mét sau vài giây tăng tốc nếu gặp sự cố bất thường.
Mới đây một thanh niên trong hội Biker, 31 tuổi đã tử nạn trên đường vào cầu Cần Thơ để lại nỗi xót xa cho bao người. Hình ảnh chiếc xe Z1000 gãy đôi và đường trượt dài của chiếc xe trở thành nỗi ám ảnh. Qua sự việc trên, chúng ta không thể không nhìn nhận lỗi của lái xe vì đã chạy với tốc độ cao, để xảy ra sự cố đáng tiếc như trên.
Vậy quy định mở rộng thi bằng A2 của Bộ Giao thông Vận tải gần đây sẽ giúp gia tăng nhiều xe phân khối lớn và giúp nhiều người có thể sở hữu và điều khiển môtô ở Việt Nam. Vấn đề trên liệu có trở nên tối ưu vào thời điểm này hay không?
>> Xem thêm: Chơi xe phân khối lớn không chỉ dành riêng cho con trai
Chia sẻ bài viết của bạn về xe môtô tại đây.