Các nhân viên cứu hộ trên khắp Slovenia, Áo và Croatia đã phải vật lộn đối phó với thời tiết cực đoan xảy ra từ cuối tuần trước. Nhiều làng hứng thiệt hại lớn, buộc cư dân phải sơ tán. Giới chức các nước đã triển khai các đội ứng phó khẩn, sẵn sàng xử lý kịch bản sạt lở, vỡ đập.
6 người thiệt mạng ở Slovenia, gồm hai công dân Hà Lan bị sét đánh và 4 người Slovenia bị lũ cuốn. Đây là thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất mà Slovenia từng chứng kiến kể từ khi độc lập năm 1991. Thủ tướng Robert Golob ước tính thiệt hại khoảng 550 triệu USD, đồng thời kêu gọi Liên minh Châu Âu (EU) và NATO hỗ trợ.
Tính đến chiều 6/8, tỉnh Carinthia của Áo ghi nhận 80 vụ sạt lở lớn. Tỉnh lân cận Styria cũng ghi nhận 280 vụ sạt lở tính đến sáng cùng ngày. Một phụ nữ thiệt mạng sau khi bị lũ sông Glan cuốn ở làng Zollfeld phía nam.
Tại Croatia, đường sá, đất canh tác nông nghiệp và các khu dân cư cũng bị lũ lụt tấn công, khiến giới chức phải ban bố tình trạng khẩn cấp ở nhiều vùng trên toàn quốc. Nhiều tòa dân cư phải dùng bao cát để làm đê tạm thời, ngăn thiệt hại lớn.
Tình hình mưa lũ dự kiến cải thiện ở cả ba quốc gia trong những ngày tới.
Các chuyên gia cho hay biến đổi khí hậu là nguyên nhân khiến các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng thường xuyên. Thời tiết mưa bão cũng xuất hiện các nước xung quanh khu vực Baltic, gây mất điện, làm gián đoạn giao thông đường thủy và đường không.
Cảnh sát vùng đông bắc Đan Mạch đã phát cảnh báo thời tiết khắc nghiệt. Giới chức cứu hỏa ở thủ đô Copenhagen cũng khuyến cáo người dân tránh đến công viên hay vào rừng, do "đất ngập nước mưa và bão làm tăng nguy cơ cây đổ".
Na Uy đã nâng cảnh báo thời tiết khắc nghiệt lên mức cao nhất vào ngày 7/8 do mưa lớn, sạt lở và lũ quét. Tại Ba Lan, hàng nghìn hộ gia đình mất điện do bão.
Ở Latvia, gió giật 108 km/h đã quật ngã hàng loạt cây cối. Làng Apgulde, tây nam thủ đô Riga bị mưa đá tấn công, với những viên có kích thước bằng quả bóng golf.
Đức Trung (Theo DW)