Chiều 29/11, một số khu vực ở huyện Hoài Ân, Bình Định mênh mông nước, nhiều tuyến đường vẫn bị chia cắt. "Đêm qua mưa lớn cộng với mấy ngày trước làm nước ngập nhà, nhiều người phải qua nhà người quen ở", chị Nguyễn Thị Hồng ở xã Ân Hảo Đông nói.
Huyện Hoài Ân thống kê có gần 1.000 nhà ở địa phương ngập 0,2-0,5 m, tập trung ở các xã Ân Hảo Tây, Ân Hảo Đông, Ân Tín, Ân Mỹ. Nhiều nhà ngập sâu đến một mét. Ngoài các tuyến đường liên thôn, xã, tỉnh lộ ĐT 629 lên huyện này cũng bị ngập một số đoạn.
Ông Võ Duy Tín, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết đã chỉ đạo lực lượng giúp dân dọn nhà cửa, bảo vệ tài sản khi nước ngập; đồng thời chốt chặn các điểm nước tràn không để người dân qua lại. Địa phương sẵn sàng sơ tán dân ở những vùng ngập sâu, nguy cơ sạt lở khi mưa lớn kéo dài.
Ở huyện Phù Cát, hơn 300 nhà ở xã Phước Thắng bị ngập 0,2 - 0,4 m. Hầu hết các tuyến đường liên xã đều ngập nước. Tỉnh lộ 640 qua xã này cũng bị ngập. Chính quyền huyện Phù Cát đã chỉ đạo các đơn vị thường xuyên kiểm tra các dọc các tuyến đê để cảnh báo người dân khi lũ lớn, bất ngờ.
Ngoài ra, mưa lớn gây ngập nhiều nơi khác trong tỉnh. Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh này, 19.000 học sinh ở các huyện Tuy Phước, Phù Cát và các xã ven biển của TX Hoài Nhơn, huyện Hoài Ân không thể đến trường.
Cơn mưa lớn kéo dài khiến các vùng trũng ở tỉnh Phú Yên ngập. Đường ĐT 641 nối huyện Tuy An và huyện Đồng Xuân, chìm trong nước, có nơi sâu hơn nửa mét, kéo dài khoảng 3 km; đường ĐT 642 nối thị xã Sông Cầu – huyện Đồng Xuân ngập chừng một mét.
Nước lũ dâng lên gây ngập nhiều nhiều tuyến đường, cô lập 6 thôn của ba xã và thị trấn huyện Đồng Xuân. Chính quyền phải lên phương án sơ tán 500 hộ dân với khoảng 900 người trong vùng ngập nước, tránh trường hợp xấu xảy ra.
Tương tự, một số khu vực khác của huyện Tuy An, Tây Hòa cũng ngập, nhiều khu vực sâu hơn nửa mét. Đời sống người dân bị đảo lộn, đi lại khó khăn khi đường sá chìm trong nước. Chính quyền cử lực lượng xuống ứng trực hỗ trợ người dân, gắn biển cảnh báo ở các điểm ngập, nguy hiểm.
Tại Kon Tum, mưa lớn làm sạt lở nhiều tuyến đường. Trên quốc lộ 14 qua đèo Lò Xo ở huyện Đăk Glei, đất đá ở taluy đổ xuống vùi lấp mặt đường dài 20 m khiến giao thông tê liệt. Công ty cổ phần quản lý đường bộ Kon Tum đang thông tuyến.
Ở đường Trường Sơn Đông, hai điểm sạt lở dài 25m và 27m gây tắc hoàn toàn tuyến đường. Đến chiều đơn vị quản lý đã khắc phục.
Đăk Lăk cũng mưa lớn nhiều nơi, đặc biệt là huyện M' Đrăk. Chiều qua, chị Trương Thị Mỹ Hoa chạy xe máy qua cầu tràn buôn Trưng, xã Krông Jing bị nước chảy xiết cuốn trôi. Chị đã bấu víu được vào một gốc cây dưới suối, nhờ đó được dân quân và người dân cứu kịp thời.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, ảnh hưởng vùng áp thấp và không khí lạnh, nhiễu động gió Đông, ngày mai miền Trung và Tây Nguyên tiếp tục mưa to, có dông; lượng mưa từ 50 mm đến 300 mm.
Trước đó, mưa lũ kéo dài hai tháng qua ở miền Trung và Tây Nguyên khiến người dân liên tục phải sống chung với ngập úng, sạt lở, giao thông chia cắt, nhiều người tử vong.
Phạm Linh - Trần Hóa - Xuân Ngọc