Theo các chuyên gia, bang Maharashtra đang hứng chịu đợt mưa lớn nhất vào tháng 7 trong vòng 4 thập kỷ trở lại đây. Những trận mưa như trút nước kéo dài nhiều ngày đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của hàng trăm nghìn người, khiến các con sông lớn có nguy cơ vỡ bờ.
Tại Taliye, cách Mumbai, thủ phủ tài chính của tỉnh, khoảng 180 km về phía đông nam, số người chết đã tăng lên 42 sau khi lực lượng tìm kiếm cứu nạn phát hiện thêm 4 thi thể trong vụ sạt lở đất chôn vùi nhiều ngôi nhà thuộc một ngôi làng.
"Khoảng 40 người vẫn mắc kẹt. Cơ hội cứu sống họ rất mong manh bởi họ đã bị kẹt trong bùn hơn 36 tiếng", một quan chức cấp cao bang Maharashtra cho biết.
Thời tiết khắc nghiệt đã ảnh hưởng tới một số nơi trên thế giới trong những tuần gần đây, với lũ lụt ở Trung Quốc và Tây Âu hay các đợt nắng nóng kỷ lục ở Bắc Mỹ, làm dấy lên những mối lo ngại mới về tác động của biến đổi khí hậu.
Nhiều vùng ở khu vực bờ tây Ấn Độ đã hứng chịu lượng mưa lên đến 594 mm, buộc nhà chức trách phải sơ tán người dân khỏi những nơi dễ bị tổn thương khi họ tiến hành xả nước từ các con đập sắp tràn. Trạm khí tượng đồi Mahabaleshwar đã ghi nhận lượng mưa lên tới 60 cm trong vòng 24 giờ, cao nhất từ trước tới nay.
Lực lượng cứu hộ đang tìm kiếm nạn nhân của các vụ lở đất ở 4 địa điểm khác trên toàn bang.
"Khoảng 90.000 người đã được giải cứu khỏi những khu vực bị ảnh hưởng bởi lũ lụt", chính quyền bang Maharashtra cho biết trong một thông báo khi nhà chức trách xả nước từ các đập tràn.
Hàng nghìn xe tải đã mắc kẹt hơn 24 tiếng trên một con đường cao tốc nối thành phố Mumbai với trung tâm công nghệ Bengaluru ở phía nam do nước ngập.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho hay ông rất đau khổ trước những thiệt hại về sinh mạng. "Tình hình mưa lũ ở Maharashtra đang được theo dõi chặt chẽ và chúng tôi đang nỗ lực cung cấp hỗ trợ tới những nơi bị ảnh hưởng", ông viết trên Twitter ngày 23/7.
Tại bang Telangana, phía nam đất nước, mưa lớn gây lụt lội ở thủ phủ bang Hyderabad và một số khu vực trũng thấp khác.
Các nhà bảo vệ môi trường Ấn Độ đã cảnh báo biến đổi khí hậu và hoạt động xây dựng bừa bãi ở các vùng ven biển dễ bị tổn thương có thể dẫn đến nhiều thảm họa hơn nữa trong tương lai.
Vũ Hoàng (Theo Reuters)