7h giờ sáng, đường Trần Đăng Ninh, Nguyễn Khánh Toàn (quận Cầu Giấy) nước ngập mênh mông. Tại khu vực ngã ba, nước ngập sâu hơn nửa mét, tràn sang các tuyến đường lân cận và các ngõ ngách trong khu dân cư. Trên tuyến này chỉ ôtô dám đi qua còn xe máy ken nhau chật ních trên vỉa hẻ.
Nhiều phụ huynh đã phải cõng con lội trong nước ngập để đến trường cho kịp giờ.
Phố Nguyễn Khuyến thành biển nước. Ảnh: Hoàng Hà. |
Trên đường Láng hàng nghìn ôtô, xe máy kín đặc suốt từ ngã tư Lê Văn Lương đến Ngã Tư Sở. Đoạn trũng Thái Thịnh, Huỳnh Thúc Kháng... hàng trăm người dắt xe. Nhiều người khi mới đến đoạn ngập nước do sợ chết máy không dám đi gây nên tình trạng ùn ứ. Các cửa hàng sửa chữa bu-gi trên phố Thái Thịnh được dịp hút khách với giá 10.000 đồng cho một lần lau bugi.
Trên nhiều tuyến như Ngọc Khánh, Tôn Đức Thắng, Chùa Bộc, Thái Hà... công nhân xí nghiệp cấp thoát nước dầm mưa mở nắp cống khơi dòng chảy.
8h30 nhiều công sở vẫn vắng tanh. Vừa cởi bỏ chiếc áo mưa treo ở ghi đông xe, chị Hà Thu, nhân viên công ty xây dựng trên đường Trường Chinh thở phào: "Thế là thoát, phố nào nước cũng ngập trắng. Tuyến đường nào cũng tắc cứng. Tôi vừa mất gần 40 phút để vượt qua đám tắc trên đường Láng", chị Thu nói.Anh Linh, nhân viên công ty truyền thông cho biết, chỉ từ ngã tư Láng Hạ đến phố Đội Cấn khoảng 2km anh phải mất hơn một tiếng. "7h30 tôi đã ra khỏi nhà mà đến tận 9h tôi mới đến được cơ quan", anh Linh nói.
Choáng khi thấy nước ngập quá lớn, nhiều người đã không dám ra đường. Chị Thu, nhà phố Lương Thế Vinh (Thanh Xuân) cho biết: "Sáng dậy mở cửa thấy nước tràn cả vào nhà, tôi cố đi được hơn 100 m thì xe chết máy, đành phải gọi điện cho sếp xin nghỉ buổi sáng". Đứa con gái lớn của chị hôm nay cũng phải nghỉ buổi học do không có ai đưa đón.
Giao thông tắc nghẽn, xe buýt xếp hàng dài trên đường Nguyễn Thái Học. Ảnh: Hoàng Hà. |
Đến 11h hôm nay, hàng loạt tuyến phố vẫn tiếp tục bị úng ngập nặng. Trên vỉa hè đường Nguyễn Chí Thanh - sát hồ Ngọc Khánh nước ngập trắng xóa, một số người mang vợt ra vớt cá. Trên đường Nguyễn Thái Học hàng chục xe buýt kẹt cứng, xếp hàng dài hơn nửa km. Tình trạng xe buýt bỏ tuyến tái diễn khiến nhiều hành khách đội mưa tại bến.
Tại một công ty về thiết bị văn phòng trên phố Nguyễn Công Hoan, văn phòng làm việc tràn ngập nước, nhân viên xắn quần kê đồ đạc lên cao. "Chưa bao giờ công ty bị ngập nặng như vậy, từ sáng đến giờ hoạt động giao dịch hoàn toàn ngưng trệ", một nữ nhân viên nói.
Theo Công ty Thoát nước Hà Nội mưa bắt đầu từ 1h30. Tổng lượng mưa đo được là: đường Láng 155,6mm; Hà Đông: 330 mm; nội thành: 58 mm. Mưa tập trung tại khu vực quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Đống Đa, Hoàng Mai và phía nam quận Ba Đình. Mực nước các sông hồ dâng lên nhanh từ 1,5 đến 2 m so với mức nước ban đầu.
Do lượng mưa quá lớn nên đã xuất hiện một số điểm úng ngập cục bộ do nước thoát không kịp như Nguyễn Trãi, Nguyễn Huy Tưởng, Trần Đăng Ninh, Chùa Hà, Nguyễn Phong Sắc, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Tuân, Trần Bình, Ngọc Khánh, Thái Hà, Thái Thịnh, Chùa Bộc, Tây Sơn, Nguyễn Lương Bằng.... |
Theo Công ty Thoát nước Hà Nội, ngay từ 4h30 sáng, tại các điểm úng ngập lực lương ứng trực của công ty đã có mặt để mở nắp hố ga, khơi thông dòng chảy, đồng thời phối hợp với lực lượng cảnh sát hướng dẫn giao thông. 11 tổ máy tại trạm bơm Yên Sở đã được vận hành hết công suất.
Đài khí tượng thủy văn đồng bằng Bắc Bộ nhận định, đợt mưa xảy ra sáng nay là do không khí lạnh kết hợp với hội tụ gió trên cao. Trọng tâm mưa là thủ đô Hà Nội và khu vực nam đồng bằng Bắc Bộ. Đây là trận mưa lớn nhất trong năm ở Bắc Bộ.
Tối nay, lũ trên sông Hoàng Long lên báo động 3 (mức nguy hiểm nhất) và còn tiếp tục lên, đe dọa ngập diện rộng tại các tỉnh Ninh Bình, Nam Định.
Ngày mai, trọng tâm mưa sẽ chuyển lên trung du Bắc Bộ và kéo dài ít nhất đến đêm 2/11. Theo đánh giá của Đài khí tượng thủy văn, đợt mưa to trong 3 ngày có thể trở thành là trận mưa lịch sử tại vùng Bắc Bộ.
Nhóm phóng viên