8h, hàng loạt quận Hoàng Mai, Hà Đông, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Ba Đình, Nam Từ Liêm mưa xối xả, trời tối đen. Trong đó quận Hoàng Mai địa hình thấp, hứng lượng mưa lớn nhất (105 mm trong 6 tiếng) nên bị ngập sâu nhất. Hầu khắp tuyến đường, ngõ ngách trên địa bàn bị ngập, nước tràn vào công sở, nhà dân.
Tại quận Thanh Xuân, các tuyến đường Nguyễn Trãi, Nguyễn Xiển, Khuất Duy Tiến có đoạn ngập 0,5 m. Đặc biệt đoạn đường Nguyễn Trãi qua Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn ngập tới 0,7 m, hàng loạt xe chết máy giữa đường, giao thông tê liệt.
Học sinh, sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và trường THPT Chuyên Nhân văn phải lội nước đến bắp chân để vào giảng đường. Nhiều em ướt hết quần áo, balo. Các phòng học, phòng chức năng bị ngập đến mắt cá chân. Nhà trường vẫn dạy học cho những em đã đến lớp.
Nằm trong ký túc xá Mễ Trì, một điểm trũng thấp của quận Thanh Xuân, trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên bị ngập ngang gối. Hầu hết học sinh đến muộn, hoặc không thể vào trường do ngập sâu. Ban giám hiệu sau đó phải cho toàn bộ học sinh nghỉ học.
Đại lộ Thăng Long nối trung tâm Thủ đô với các huyện Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất mưa dồn dập, nước dâng cao, mỗi lần ôtô phóng qua lại tạo sóng như sông. Rời nhà ở xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất lúc 7h10, chị Thu Hương phải mất 2 tiếng mới đưa được con đi học ở phố Trung Văn và đến cơ quan ở quận Cầu Giấy, gấp đôi thời gian so với bình thường.
"Mưa trắng trời, không thể nhìn rõ đường. Vào đến nội đô, tất cả ngả đường Đỗ Đức Dục, Lương Thế Vinh, Tố Hữu... đều tắc", chị Hương kể.
9h, tại đường Nguyễn Xiển, quận Thanh Xuân, mưa vẫn xối xả, nước ngập trên đoạn đường khoảng 2 km, một số vị trí sâu 0,5 m, giao thông đình trệ từ Cầu Dậu đến nút giao Khuất Duy Tiến. Nhiều người đi xe máy phải để xe dưới lòng đường, vào trú dưới gầm vành đai 3 trên cao.
Mưa to, ngập khắp nơi khiến giao thông rối loạn. Nhiều người phải chôn chân giữa đường, gọi điện đến cơ quan xin đến muộn, hoặc nghỉ làm sáng nay. Đi từ cổng Đại học Quốc gia Hà Nội, đường Xuân Thủy đến Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, chị Bích Ngọc mất tới 75 phút cho quãng đường hai km.
Từ phố Trung Kính về hướng cầu Thăng Long lúc 9h, anh Thành Trung không bị ngập đoạn nào, nhưng mất hơn một tiếng mới thoát khỏi nút giao Mai Dịch, quận Nam Từ Liêm. "Xe máy, ôtô chen chúc, không theo hàng lối khiến giao thông hỗn loạn. Hai cảnh sát giao thông điều tiết, mãi mới dàn xếp được", anh kể.
11h30, nước chưa rút hết, một số tuyến đường vẫn ách tắc. Trục đường từ hầm chui Lê Văn Lương, Tố Hữu đến ngã tư Lương Thế Vinh không bị ngập sâu nhưng tắc suốt từ 7h30 đến 11h30. Nhiều người dân đi xe máy không thể di chuyển, phải dừng đỗ trên vỉa hè chờ đường thông trở lại.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, hai hôm nay Hà Nội liên tục mưa to, trong đó trận mưa sáng nay lớn nhất trong gần 3 tháng qua. Công ty Thoát nước Hà Nội cho hay mưa chia làm hai đợt. Đợt đầu từ 0h đến 6h, đợt hai kéo dài một tiếng từ 8h đến 9h. Lượng mưa cao nhất ghi nhận ở quận Hà Đông 124 mm; Hoàng Mai 123 mm; huyện Hoài Đức 96 mm; quận Thanh Xuân 91 mm.
Trong khi đó mực nước sông, hồ đang cao khiến việc thoát nước chậm. Hàng loạt khu vực bị ngập như: Phú Xá, khu đô thị Resco, Hoa Bằng, Dương Đình Nghệ - Keangnam, Phan Văn Trường, Trần Bình, Nguyễn Chính, Huỳnh Thúc Kháng, Vương Thừa Vũ, Bùi Xương Trạch, Tố Hữu, hầm chui Đại lộ Thăng Long, Đỗ Đức Dục, Nguyễn Xiển, Triều Khúc, Quang Trung, Tô Hiệu (Hà Đông)...
Trận mưa sáng nay còn khiến cây phượng đường kính khoảng 40 cm trước số nhà 17B phố Hàn Thuyên (quận Hai Bà Trưng) bật gốc, đổ trúng hai ôtô đang đỗ trên vỉa hè. Một chiếc bị hư hỏng phần kính. Phần thân cây đổ chắn gần hết cả con đường Hàn Thuyên.
Trưa cùng ngày, cây phượng khác cao khoảng 10 m trên phố Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy) bật gốc, đè trúng xe tải đang di chuyển, may mắn không ai bị thương. Tài xế cho biết đã nhìn thấy cây nghiêng, chuẩn bị đổ, nhưng do đường ngập nên không tránh được.
12h30, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia phát cảnh báo trong 3 giờ tới nội thành Hà Nội và các vùng lân cận tiếp tục mưa to 30-60 mm, có nơi trên 80 mm. Đợt mưa này có khả năng gây ngập úng cho nhiều tuyến phố nội thành với độ sâu 0,3-0,4 m, một số nơi 0,5-0,7 m.
Trước đó hoàn lưu áp thấp nhiệt đới (đổ bộ Thừa Thiên Huế rạng sáng 26/9) lần lượt gây mưa cho các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa. Thống kê của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tại, mưa lũ đã làm một người chết, một người mất tích, hơn 1.600 ngôi nhà ở Nghệ An bị ngập. Đến sáng nay, nước lũ đã cơ bản rút hết.
Hà Nội từng trải qua nhiều đợt ngập diện rộng, lớn nhất trong hai năm qua là đợt 29-30/5/2022 làm xuất hiện khoảng 100 điểm ngập lớn nhỏ, giao thông hỗn loạn. Ngoài lý do mưa vượt giá trị lịch sử (2 giờ mưa 138 mm), các nhà quản lý và chuyên gia cũng chỉ ra hệ thống thoát nước thiếu đồng bộ; dự án thoát nước chậm tiến độ; bất cập trong đầu tư, quy hoạch; diện tích mặt nước, cây xanh giảm.
Nhóm phóng viên