Đêm 6 và sáng 7/10, mưa lớn khiến nhiều nơi ở huyện Minh Hóa (Quảng Bình) ngập sâu, một số xã bị chia cắt. Nhà chức trách địa phương cho hay lượng mưa phổ biến trên 100 mm, có nơi như xã Mai Hóa (huyện Tuyên Hóa) đo được 236 mm, xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh) 234 mm, xã Minh Hóa (Minh Hóa) 338 mm...
Tại xã Tân Hóa (huyện Minh Hóa), nước sông Rào Nan lên nhanh gây ngập sâu hơn một mét ở các ngầm tràn, nơi có đường giao thông chạy qua. Theo quan sát, nếu trời tiếp tục mưa, nước sẽ dâng vào các khu dân cư gây ngập lụt. Lãnh đạo địa phương đã điều ca nô và lực lượng cứu hộ lên ứng trực để giúp đỡ người dân khi cần thiết.
Đến chiều nay, các tuyến đường vào bản Ón, Yên Hợp, Mò Ó Ồ Ồ (xã Thượng Hóa), bản Lòm (xã Trọng Hóa), bản Ka Ai (xã Dân Hóa)... đã bị chia cắt nhiều đoạn.
Theo ông Đinh Văn Lĩnh, Phó chủ tịch UBND huyện Minh Hóa, huyện đã cho 14.000 học sinh của 51 trường học các cấp trên địa bàn nghỉ học để đảm bảo an toàn. Riêng học sinh 2 trường Phổ thông dân tộc bán trú ở Trọng Hóa và Dân Hóa được lệnh ở lại tránh trú ngay tại trường, không về nhà trong lúc này vì nước lũ ở các khe suối đã dâng cao.
Ông Đinh Tuấn Anh, Trưởng phòng Giáo dục Đào tạo huyện Minh Hóa, chỉ đạo các trường đưa đồ dùng dạy học, trang thiết bị nhà trường lên tầng cao, sẵn sàng cho trường hợp xảy ra lũ lớn.
Ban Phòng chống thiên tai huyện Minh Hóa yêu cầu các xã, thị trấn sẵn sàng phương án ứng phó với tình huống mưa lũ chia cắt giao thông, cô lập các khu dân cư dài ngày; cấm người dân qua lại, đánh bắt cá ở khe suối.
Trung tâm du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng (huyện Bố Trạch) tạm dừng đón khách tại một số tuyến, điểm du lịch do mưa lớn, mực nước tại các sông Son, sông Chày và các khe suối đang lên nhanh.
Tại Quảng Trị, mưa lớn khiến một số thôn bản bị cô lập. Lúc 11h ngày 7/10, ông Nguyễn Văn Nam (35 tuổi) và ông Lê Quang Hùng (28 tuổi, cùng trú thôn Tân Linh, xã Hướng Tân, Hướng Hóa) bị nước cuốn khi chèo thuyền vượt suối qua rẫy để canh tác. Khoảng 100 người gồm bộ đội, công an và người dân xã Hướng Tâ tổ chức tìm kiếm hai nạn nhân nhưng chưa có kết quả.
Cầu tràn ở các xã Ba Tầng, A Dơi (huyện Hướng Hoá) đã ngập hơn một mét, nước chảy xiết. Lực lượng biên phòng chốt chặn ở các điểm ngập để ngăn người dân qua lại.
Huyện Đăkrông cũng có nhiều cầu tràn bị ngập sâu, chia cắt một số khu dân cư ở các xã Hướng Hiệp, Ba Lòng, A Vao, Ba Nang... Riêng xã Ba Lòng, nước sông Đăkrông dâng cao nên nhà chức trách đang lên phương án di dời hơn 300 người đến nơi an toàn.
Lượng mưa đo được ở Quảng Trị phổ biến từ 50 đến 100 mm. Một số nơi như Vĩnh Ô (huyện Vĩnh Linh) đo được 218 mm; Đầu Mầu (huyện Cam Lộ) 217 mm; Hướng Linh (huyện Hướng Hoá) 182 mm...
Tại Thừa Thiên Huế, mưa lớn kéo dài khiến nhiều tuyến đường ở trung tâm TP Huế như Hùng Vương, Đống Đa...; quốc lộ 49B đi qua xã Phú Thanh (huyện Phú Vang) ngập từ 20 đến 30 cm. Vùng trồng rau ở xã Quảng Thành, xã Quảng Thọ (huyện Quảng Điền) ngập gần nửa mét.
Để đảm bảo an toàn hồ đập, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế đã yêu cầu Công ty thủy điện Hương Điền, từ 16h ngày 7/10, xả nước về hạ du với lưu lượng khoảng 100-200 m3/s.
Thủy điện A Lưới cũng được lệnh mở cửa xả lũ điều tiết nước qua tỉnh Sêkông (Lào). Hồ Tả Trạch xả lũ điều tiết với lưu lượng xả khoảng 50 m3/s. Đập Thảo Long nằm ở hạ lưu sông Hương, đập Cửa Lác ở đầu phá Tam Giang cũng được yêu cầu mở để sẵn sàng thoát lũ nhanh.
"Hiện mực nước sông Hương, sông Bồ đang ở mức trên báo động một. Với tình hình mưa lớn kéo dài, nguy cơ lũ lớn có thể xảy ra", ông Đặng Văn Hòa, Phó Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế, nói.
Tại Quảng Nam, cơ quan khí tượng ghi nhận trong 24 giờ qua, lượng mưa nơi cao nhất trên địa bàn 188 mm. Hai ngày tới, dự báo lượng mưa phổ biến từ 300 đến 500 mm, có nơi trên 600 mm.
Lúc 13h ngày 7/10 xảy ra trận lốc xoáy xảy ra ở xã ven biển Tam Thanh khiến nhiều ngôi nhà tốc mái ngói. Một số tuyến đường trung tâm thành phố Tam Kỳ ngập gần nửa mét. Nước dâng vào hơn chục nhà dân ở khối phố Mỹ Thạch Bắc (phường Tân Thạnh) khiến họ phải nhanh chóng chuyển đồ đạc lên cao.
"Rút kinh nghiệm trận lũ cuối 2018, mưa lớn nước lên nhanh trở tay không kịp. Nay nước mới chớm sân, chưa vào trong nhà nhưng tôi dựng sẵn giàn giáo để gác đồ lên", anh Kim ở khối phố Mỹ Thạch Bắc, nói.
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, Biển Đông đang xuất hiện vùng áp thấp có thể mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới. Dải hội tụ nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh gây đợt mưa lớn từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận từ đêm 6 đến ngày 11/10.