Khoảng 6h, K'Lu, 19 tuổi, ở xã vùng cao Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam rủ em trai lên núi Rùa hái chuối rừng. Gió núi còn se lạnh, hai anh em mang gùi đi ngược suối Gia Pa Ó. Tiếng chim rừng hót từ núi xen lẫn âm thanh suối chảy.
Qua khỏi triền suối, nhìn lên đầu núi, K'Lu thấy vạt chuối rừng nằm lưng chừng dốc xen giữa rừng cây rậm rạp cách khoảng 300 m. Quãng đường không xa lắm, nhưng phải mất gần 20 phút, anh em K'Lu mới leo lên tới nơi, do dọc đường có nhiều dây leo và gai giăng mắc.
Khi hai anh em tới nơi, phía trước cả một rừng chuối đang cho trái. Nhiều buồng trái chín vàng rục, rụng xuống thơm nức. Một số buồng có dấu của khỉ, sóc và chim rừng ăn, bỏ lại những phần thừa dưới gốc. Chuối rừng mọc theo chòm, nhiều bụi gần nhau. Thân chuối thon, cao 3-4 m, lá thẳng vút lên, mỗi buồng có 5-9 nải, trái nhỏ, dài 9-10 cm, ít cơm, nhưng nhiều hạt màu đen.
Trong khu rừng này, chuối trổ buồng nhiều, nhưng hai anh em chỉ chọn những buồng có trái đều nải và đã già tới mới chặt bỏ vào gùi. Sau hai giờ rảo bước, hai gùi đầy ắp chuối, nặng trĩu. Trước khi xuống núi, mỗi người còn chặt thêm mấy buồng, buộc dây rừng gánh xuống.
K'Lu cho hay chuối già chặt về ủ trong thùng giấy 3-4 ngày sẽ chín. Trái chín được lột vỏ, phơi nắng chừng 5 ngày sẽ khô, để dành bán cho người miền xuôi. Do không có thời gian phơi, anh thường đưa chuối bán cả mớ cho người trong làng phơi. Trung bình mỗi ngày đi hái chuối rừng, K'Lu thu nhập khoảng 200.000 đồng.
Anh Trần Văn Ngọ sống cách đó chừng một km, là một trong những người chuyên đi lấy chuối rừng ở xã Mỹ Thạnh. Những lần đi hái, anh chạy xe máy theo đường mòn vào tận trong khu núi Rai Vơ cách làng hơn chục km. Đến nơi anh bỏ xe máy bên bờ suối, đi bộ một đoạn sẽ tới rừng chuối rộng cả mẫu.
Theo anh, chuối rừng ở đây rất nhiều nhưng chưa có cơ sở thu mua và chế biến chuyên nghiệp. Vì vậy anh chỉ vào rừng lấy chuối khi có mối gọi điện đặt hàng. "Sáng mình đi chiều chở về cả bao đầy", anh Ngọ nói và cho biết mỗi lần bán được chuối, kiếm khoảng 300.000 đồng để mua gạo, mắm muối, cải thiện cuộc sống.
Ông Nguyễn Văn Vương, thôn trưởng thôn 1, xã Mỹ Thạnh, cho biết hầu hết đồng bào thiểu số ở đây chỉ trồng bắp, mì và cây hoa màu vào mùa mưa, còn đến mùa nắng rất nhàn rỗi. Do vậy, cùng với nghề lấy mật ong, hái chuối rừng là một trong những công việc giúp bà con kiếm thêm thu nhập.
Theo ông Vương, chuối rừng mọc nhiều ở các khu rừng mát mẻ quanh năm, nhất là gần chỗ có nước nhĩ hoặc bờ suối. Chuối ra trái quanh năm, nhưng thường sau mùa mưa mới ra hoa nhiều và chín rộ dịp cuối năm. Đây cũng là thời điểm hạt chuối rừng cho chất lượng tốt nhất vì có nhiều dưỡng chất.
Trước đây, người dân bản địa chủ yếu lấy về làm thuốc gia truyền hoặc ngâm với rượu. Gần đây, đường sá thuận lợi hơn, nhiều khách thập phương đến khám phá nét đẹp núi rừng Mỹ Thạnh mỗi dịp lễ tết, cuối tuần. Nhờ đó, chuối rừng cũng như các đặc sản măng, nấm linh chi... được tiêu thụ nhiều hơn.
Vùng cao Mỹ Thạnh cách Phan Thiết 45 km, được đánh giá có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái nhờ rừng tự nhiên trù phú, đa dạng sinh học, bên trong có nhiều suối, thác đẹp. "Tới đây, nếu du lịch phát triển, đặc sản chuối rừng giúp bà con địa phương tăng thêm thu nhập", ông Vương nói.
Ngoài vùng cao Mỹ Thạnh, một số địa bàn khác ở tỉnh Bình Thuận nổi tiếng có nhiều chuối rừng như: Tà Pao, La Ngâu, La Dạ, Đa Mi, Gia Bắc... Chuối sau khi lột vỏ phơi khô, bán tại gốc giá 60.000-90.000 đồng một kg, tùy chất lượng.
Chuối rừng thường được ngâm rượu thuốc hoặc tán nhỏ hạt làm vị thuốc bắc, sắc nước uống. Trong đông y, chuối có tác dụng lợi tiểu, bổ thận, hỗ trợ chữa trị sỏi thận, bàng quang, tiểu đường...
Tư Huynh