Trong các kỷ lục bị phá, VĐV đoàn Phú Yên Lê Thị Tuyết gây ấn tượng lớn hơn cả ở nội dung marathon nữ sáng 18/12. Cô gái 18 tuổi, chỉ cao 1m46 và nặng 37kg chinh phục quãng đường 42,195 km trong 2 giờ 47 phút 3 giây - lập kỷ lục mới của Đại hội. Kỷ lục cũ là 2 giờ 48 phút do VĐV đoàn Quảng Ngãi Phạm Thị Bình lập năm 2014.
Trong lần đầu dự Đại hội, Lê Thị Tuyết không được đánh giá cao. Nhưng VĐV trẻ này đã bền bỉ và tích cực đeo bám các đàn chị trước khi tăng tốc ở vòng cuối để cán đích trước tiên tại tổ hợp thể thao Mỹ Đình. Do ban tổ chức không bố trí dải băng cho người về nhất và dấu hiệu vạch đích cũng không rõ ràng, Lê Thị Tuyết vượt qua đích mà không biết đã hoàn thành và vẫn tiếp tục chạy. Chỉ đến khi một thành viên Ban tổ chức chạy theo thông báo, VĐV người Phú Yên mới dừng lại, biết bản thân đã đoạt HC vàng và phá kỷ lục.
Trước đó, Lê Thị Tuyết cũng giành HC đồng nội dung 10.000m nữ.
Ở nội dung marathon nam, không có bất ngờ xảy ra khi nhà vô địch SEA Games 31 Hoàng Nguyên Thanh về nhất sau 2 giờ 25 phút 2 giây. VĐV đoàn Bình Phước qua đó phá kỷ lục cũ - 2 giờ 26 phút 32 giây - do chân chạy Quân đội Bùi Thế Anh lập tại Đại hội năm 2014.
Chân chạy Ngần Ngọc Nghĩa tiếp tục thống trị nội dung 100m nam khi giành HC vàng với thời gian 10 giây 35, qua đó phá kỷ lục Đại hội 10 giây 47 do chính anh lập năm 2018. Vận động viên của Công an Nhân dân cũng đang nắm giữ kỷ lục Quốc gia 10 giây 40 lập năm 2020 tại Hà Nội.
Ở nội dung 10.000m nữ chiều 17/12, chân chạy Nguyễn Thị Oanh của Bắc Giang hoàn thành với thời gian 33 phút 13 giây 23, phá kỷ lục Đại hội và phá kỷ lục Quốc gia. Kỷ lục đại hội cũ là 35 phút 10 giây 17 do Phạm Thị Huê lập năm 2018. Còn kỷ lục quốc gia 34 phút 01 giây 59 do Phạm Thị Hồng Lê lập năm 2021.
Chân chạy kỳ cựu đoàn Quân đội Nguyễn Văn Lai cũng phá kỷ lục Đại hội nội dung 10.000m với thời gian 30 phút 36 giây 86. Kỷ lục cũ 30 phút 46 giây 21 do Nguyễn Chí Đông lập năm 2002 tại Hà Nội. Kỷ lục quốc gia ở nội dung này vẫn do Nguyễn Văn Lai nắm giữ với thời gian 29 phút 44 giây 82 lập năm 2013 tại Myanmar.
Ở nội dung nhảy xa, nhà vô địch SEA Games 31 Nguyễn Tiến Trọng đạt 7,77m, phá kỷ lục Đại hội. Kỷ lục cũ 7,7m do Phạm Văn Lâm lập năm 2018 tại Nam Định. Tiến Trọng cũng đang nắm giữ kỷ lục quốc gia với 7,98m lập năm 2019 tại TP HCM.
Nội dung 7 môn phối hợp nữ, VĐV Quân đội Nguyễn Linh Na đạt 5440 điểm, phá kỷ lục Đại hội và kỷ lục quốc gia. Kỷ lục cũ 5277 điểm do Nguyễn Thị Thu Cúc lập năm 2006 tại Đà Nẵng.
Ở nội dung ném đĩa nữ, Lê Thị Cẩm Dung của TP HCM phá kỷ lục với 46,80m. Kỷ lục cũ 44,92m do Lê Thị Lài (Sóc Trăng) lập năm 2018 tại Hà Nội.
Nội dung ném đĩa nam, Phan Thanh Bình (TP HCM) đạt 47,45m, phá kỷ lục cũ 47,31m do chính anh thiết lập 2018 tại Hà Nội. Thanh Bình cũng đang nắm giữ kỷ lục quốc gia nội dung này với 48,64m lập năm 2019 tại Hàn Quốc.
Tại nội dung tiếp sức 4x800m nữ, đội Nam Định gồm Nguyễn Thị Thu Hà, Trần Thị Duyên, Đinh Thị Bích và Bùi Thị Ngân phá kỷ lục Đại hội và kỷ lục Quốc gia với thời gian 8 phút 49 giây 86. Kỹ lục cũ của Đại hội do đội Hà Nội lập năm 2014 với thời gian 8 phút 51 giây 95. Còn kỷ lục quốc gia cũ là 8 phút 50 giây 83 do đội Nam Định lập năm 2019 tại TP HCM.
Tương tự nội dung của nữ, nội dung 4x800 nam, đoàn Hà Nội cũng phá kỷ lục Đại hội và kỷ lục Quốc gia. Bốn chân chạy Phan Khắc Hoàng, Nguyễn Hữu Tùng Anh, Giang Văn Dũng và Trần Văn Đảng đạt thời gian 7 phút 35 giây 09 phát kỷ lục đại hội cũ của Đắk Lắk với thời gian 7 phút 37 giây 76. Đó cũng là kỷ lục Quốc gia cũ của Đắk Lắk lập năm 2010 tại Đà Nẵng.
Nội dung tiếp sức 4x400m nữ, đội Hà Nội gồm Nguyễn Thị Hương, Nguyễn Thị Kim Ngọc, Hoàng Thị Minh Hạnh và Nguyễn Thị Đằng đạt 3 phút 40 giây 53, phá kỷ lục Đại hội do đoàn Hà Nội lập năm 2018 với thời gian 3 phút 45 giây 56. Kỷ lục Quốc gia nội dung này do đội tuyển điền kinh Việt Nam lập năm 2015 tại Singapore với 3 phút 31 giây 46.
Các VĐV Hà Nội gồm Phan Khắc Hoàng, Nguyễn Tùng Lâm, Nguyễn Đức Sơn, Nguyễn Văn Quyết cũng phá kỷ lục Đại hội nội dung 4x400m nam với thời gian 3 phút 12 giây 22. Kỷ lục Đại hội cũ 3 phút 13 giây 35 do đội Hà Nội lập năm 2018. Kỷ lục quốc gia do đội Việt Nam xác lập năm 2017 tại Malaysia với 3 phút 07 giây 40.
Ở nội dung 3.000m vượt chướng ngại vật, VĐV Hà Tĩnh Nguyễn Trung Cường đạt 8 phút 58 giây 35, phá kỷ lục Đại hội 8 phút 59 giây 60 do Đỗ Quốc Luật (Quân đội) lập năm 2018 tại Hà Nội. Trung Cường cũng đang nắm giữ kỷ lục Quốc gia với 8 phút 51 giây 16 do anh thiết lập năm 2018 tại Phần Lan.
Nội dung tiếp sức hỗn hợp 4x100m nam nữ cũng ghi nhận kỷ lục Đại hội, khi Trịnh Việt Tú, Hoàng Dư Ý, Bùi Văn Nghiêm và Bùi Thị Nguyên của đoàn Quân đội đạt thành tích 42 giây 64.
Kết thúc 52 nội dung thi của môn điền kinh, đoàn Quân đội dẫn đầu với 10 HC vàng, 5 HC bạc và 7 HC đồng. Đoàn Hà Nội xếp thứ hai với 5 HC vàng, 13 HC bạc và 10 HC đồng. Đà Nẵng đứng thứ ba với 5 HC vàng, 4 HC bạc và 2 HC đồng.
Đức Đồng